Làm phim cổ tích - chơi với “dao hai lưỡi”

11-01-2019 12:09 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Phim chuyển thể từ truyện cổ tích không còn là ý tưởng mới lạ, bởi những hãng phim nổi tiếng thế giới đã khai thác gần như cạn kiệt thể loại này.

Tất nhiên, các nhà làm phim Việt cũng không đứng ngoài “cuộc chơi”. Gần đây, phim chuyển thể từ truyện cổ tích thuần Việt luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, thậm chí nhiều phim còn gây được tiếng vang lớn.

Lợi thế của phim cổ tích thuần Việt

So với thế giới, kho tàng truyện cổ Việt Nam không hề kém cạnh. Với tham vọng xây dựng vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam, nhiều nhà sản xuất phim tự đặt câu hỏi: “Kho tàng truyện cổ tích nước ta là vô giá, chất liệu văn hóa của Việt Nam còn nhiều, vậy tại sao ta lại phải sử dụng nguồn từ các kịch bản remake của nước ngoài?”. Từ trăn trở này, các nhà làm phim nhận ra, thể loại phim cổ tích, thần thoại không chỉ thu hút công chúng trong nước mà còn dễ dàng quảng bá với bạn bè quốc tế vì nét đẹp văn hóa truyền thống riêng biệt. Vấn đề là làm thế nào để chung tay góp sức làm nên những bộ phim thuần Việt, đậm đà màu sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nguyên đán 2019, phòng vé sẽ xuất hiện tác phẩm khai thác câu chuyện dân gian trào phúng Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh.

Tết Nguyên đán 2019, phòng vé sẽ xuất hiện tác phẩm khai thác câu chuyện dân gian trào phúng Trạng Quỳnh của đạo diễn Đức Thịnh.

Nổi bật trong số những phim chuyển thể từ truyện cổ tích gần đây phải kể đến Rồng rắn lên mây đã chính thức phát sóng tập đầu tiên vào khoảng cuối năm 2018. Sự tích hoa râm bụt, Sự tích hoa cúc chi, Sự tích cây vú sữa, Sự tích ông Táo, Lọ nước thần, Cây tre trăm đốt,... là những câu chuyện cổ tích đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Những câu chuyện dân gian gần gũi này nay được đạo diễn Nguyễn Minh Chung cấu trúc lại với kịch bản hấp dẫn và dàn dựng công phu trong series truyền hình Rồng rắn lên mây.

Trước đó, đoàn làm phim đã giới thiệu tới công chúng nhiều trích đoạn cả về nội dung tác phẩm cũng như hậu trường. Chưa đầy một tuần kể từ khi đăng tải, những trích đoạn phim cổ trang Việt đã thu hút hơn 30.000 lượt xem, gần 14.000 lượt tương tác và 210 lượt chia sẻ trên trang chủ của đơn vị sản xuất. Điều này đã giúp tập đầu tiên của loạt phim nhận được sự quan tâm và ủng hộ nồng nhiệt không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh.

Không thể phủ nhận, những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết... luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với mọi đối tượng công chúng. Bởi vậy, không chỉ mảng phim truyền hình, các nhà làm phim điện ảnh cũng rất háo hức với thể loại này. Nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân cho biết, công ty chị đã hoàn thành việc mua tác quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt để chuyển thể thành phim điện ảnh live-action (phim do người thật đóng). Cách làm này được cho là đi theo xu hướng của hãng Disney khi hãng này tạo nên loạt phim live-action đình đám, gặt hái doanh thu “khủng” từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc như Cinderella (Lọ Lem), Người đẹp và quái vật, Maleficent (lấy cảm hứng từ Người đẹp ngủ trong rừng), Alice ở xứ sở thần tiên, Hoa Mộc Lan…

Tất nhiên, không phải đến bây giờ Ngô Thanh Vân mới học hỏi cách làm phim của nước ngoài. Trước đó, năm 2016, khi bộ phim Cinderella làm mưa làm gió phòng vé, êkip của chị đã kịp tung ra Tấm Cám - Chuyện chưa kể mang hơi hướng rất giống Cinderella. Từ thành công bước đầu của Tấm Cám - Chuyện chưa kể (gặt hái 66,5 tỷ đồng doanh thu), người ta có quyền kỳ vọng Ngô Thanh Vân sẽ làm nên chuyện với Thần đồng đất Việt. Bởi, đây là bộ truyện tranh có sức sống lâu bền không chỉ trong lòng các độc giả nhỏ tuổi mà cả người trưởng thành. Câu chuyện của bốn bạn nhỏ Tí, Sửu, Dần, Mẹo đầy thông minh, hóm hỉnh và sâu sắc, tôn vinh những danh nhân đất Việt được điện ảnh hóa khiến công chúng rất háo hức mong chờ. Khi chuyển thể, loạt phim điện ảnh này có tên dự kiến là Trạng Tí và kéo thành series nhiều tập. Mỗi tập sẽ được chiếu vào dịp hè hoặc Tết Nguyên đán hằng năm.

Chưa dừng lại ở series Trạng Tí, Ngô Thanh Vân còn ấp ủ dự án chuyển thể các câu chuyện thần thoại, cổ tích quen thuộc lên màn ảnh như: Thằng Bờm, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thạch Sanh, Thánh Gióng, Ông Kẹ… Một kế hoạch bài bản, chỉn chu kéo dài trong vòng 5 năm chứng tỏ nhà sản xuất này tâm huyết ra sao đối với kho tàng truyện cổ nước nhà. Với dự án dài hơi này, Ngô Thanh Vân tham vọng xây dựng một vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam theo mô hình các vũ trụ điện ảnh nổi tiếng của Disney, Marvel hay DC Comics...

Cần những bước đi dè dặt?

Có thể nói, phim cổ tích là mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng trong bối cảnh điện ảnh Việt đang phát triển tốt, dòng phim này vẫn chưa tạo được đột phá. Giới chuyên môn cho rằng, việc đưa những câu chuyện quá quen thuộc lên màn ảnh rộng không hề đơn giản. Thực tế cho thấy, chuyển thể các câu chuyện cổ tích lên phim ở thời điểm hiện tại không khác gì “con dao hai lưỡi”. NSX Ngô Thanh Vân cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Với tôi, lợi thế lớn nhất của những dự án chuyển thể từ truyện cổ tích chính là nội dung vốn rất quen thuộc với tất cả khán giả. Tuy nhiên, đây cũng chính là “con dao hai lưỡi” khi thực hiện do sự mong đợi của khán giả quá lớn từ sự thành công của bản gốc. Bên cạnh đó, bối cảnh và phục trang cũng là một vấn đề nan giải, sao cho thể hiện đúng tinh thần và chính xác nhất hình ảnh thời điểm đó”.

Với đạo diễn Đức Thịnh, làm sao để kể một câu chuyện thuyết phục, đúng tinh thần Việt và thật sự hấp dẫn là điều không hề đơn giản. Khách quan mà nói, làm phim ở thể loại này khó gấp 10 lần so với các dự án thông thường. Được biết, kinh phí thực hiện phim Trạng Quỳnh dao động từ 20 - 22 tỷ đồng; Tấm Cám 22 tỷ đồng; Cuộc chiến với chằn tinh cũng tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng... Thế mới thấy, làm phim cổ tích chẳng khác nào “được ăn cả, ngã về không”.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn