Hà Nội

Lạm phát 9 tháng năm 2024 cơ bản trong tầm kiểm soát

06-10-2024 11:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Tổng cục Thống kê, việc lạm phát thế giới đã hạ nhiệt cùng các chính sách điều hành giá trong nước đã giúp lạm phát trong nước ở ngưỡng phù hợp, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Ngày 6/10, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 3/2024 tăng 3,48% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Về lạm phát, tháng 9/2024 ghi nhận tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%).

Lạm phát 9 tháng năm 2024 cơ bản trong tầm kiểm soát- Ảnh 1.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9/2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Các yếu tố ảnh hưởng làm phát chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, diễn biến CPI trong 9 tháng năm 2024 đang đi đúng hướng, nằm trong ngưỡng vừa phải, đáp ứng việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Oanh, trong 9 tháng năm 2024, diễn biến CPI có xu hướng đi ngược lại so với năm 2023. Cụ thể, năm ngoái chỉ số CPI có xu hướng tăng dần về các tháng về cuối năm, tuy nhiên năm nay ghi nhận mức tăng CPI đến quý 3/2024 có hướng đi xuống.

Lạm phát 9 tháng năm 2024 cơ bản trong tầm kiểm soát- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê (bên phải) thông tin về biến động CPI và lạm phát 9 tháng năm 2024. Ảnh: Minh Ngọc

"Khi đặt mục tiêu CPI năm 2024 ở ngưỡng khoảng 4% đã có nhiều ý kiến lo ngại, tuy nhiên đến thời điểm này có thể thấy đây là mục tiêu có thể thực hiện được. Đây là thành quả của nhiều biện pháp đồng bộ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn cần có những biện pháp kịp thời, phù hợp trong thời gian tới", bà Nguyễn Thị Oanh cho hay.

Về nguyên nhân dẫn tới việc kìm hãm lạm phát thành công, đại diện Vụ Thống kê giá cho rằng tới từ các yếu tố khách quan bên ngoài và nguyên nhân nội tại trong nước. 

Cụ thể, việc lạm phát thế giới đã hạ nhiệt giúp giảm bớt áp lực lạm phát từ khâu nhập khẩu. Trong tháng 8, ghi nhận lạm phát ở một số nước lớn ở mức thấp như: Mỹ tăng 2,5%, khu vực Eurozonw chỉ tăng 1,5 %, Ấn độ 3,7%, Hàn Quốc tăng 2%,... Đặc biệt, việc giá xăng dầu thế giới thời qua ghi nhận ở mức thấp đã đã giúp kìm hãm lạm phát trong nước.

Về yếu tố trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong điều hành giá, trong đó đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt trong diễn biến nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng do bão lũ.

Theo Tổng cục Thống kế, bão Yagi đã làm xuất hiện việc tăng giá một số hàng hóa như rau củ, lương thực hay hàng hóa thiết yếu. Để đảm bảo nguồn cung, cơ quan chức năng đã phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển hàng từ miền Nam ra giúp đảm bảo đủ lượng hàng, không bị thiếu nguồn cung. Điều này đã giúp việc giao thương không bị gián đoạn và nhanh chóng khôi phục hoạt động.

Ngoài ra, thời gian qua, việc Chính phủ áp dụng giảm nhiều khoản thuế, phí với một số nhóm hàng hóa đặc thù cũng giúp lạm phát được kìm chế ở mức phù hợp. Cụ thể, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường mỡ nhờn, giảm 2% VAT một số hang hóa dịch vụ, giảm mức thu 36 phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân,...

Tuy nhiên, đại diện Vụ Thống kê giá lưu ý, để thực hiện tốt chính sách giá và kìm hãm làm phát trong thời gian tới cần theo dõi diễn biến lạm phát thế giới. "Nền sản xuất hàng hóa trong nước bị tác động lớn bởi nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, rủi ro lớn nhất của lạm phát Việt Nam là cú sốc lạm phát thế giới. Tình hình thế giới có biến động có thể làm đứt gãy hệ thống cung ứng hàng hóa, đặc biệt áp lực từ việc tăng giá dầu thô", bà Nguyễn Thị Oanh nhận định.

CPI bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân chín tháng năm 2024 tăng 4% làm CPI chung tăng 1.34 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá: Nhóm lương thực tăng 14,23% (tác động làm CPI tăng 0.52 điểm phần trăm) do giá gạo tăng 18,87% tăng theo giá gạo xuất khẩu khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, bão lũ (tác động làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm); nhóm thực phẩm tăng 2,31% (tác động làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm); nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61% (tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm); chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% (tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm) do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân chín tháng tăng 9.42% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm, do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng mức học phí.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46% làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm, do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.

Cuối cùng, chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87% làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46.67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.



Minh Ngọc
Ý kiến của bạn