Tựa đề của cuốn sách viết về thiền tập của nữ tác giả Sylvia Boorstein thu hút nhiều người đọc. Mới đọc tựa không thôi: “Don’t just do something, sit there” (Đừng làm điều gì cả, chỉ ngồi yên đó), một số người bị sốc. Một người đã đặt câu hỏi với nữ tác giả: “Tôi bao giờ cũng nghĩ rằng, nếu ta muốn có một sự đổi thay nào đó cho chính mình hoặc cho xã hội, thì ta phải tích cực làm điều gì đó. Còn bà lại cho rằng “Đừng làm điều gì cả, chỉ ngồi yên đó”. Như vậy nghĩa là sao?”. Bà Sylvia Boorstein đã trả lời: “Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn, mỗi chúng ta đều có bổn phận hành động khi ta thấy có điều gì đó phải làm. Tôi chỉ muốn nói, ta cũng cần có sự tĩnh lặng để thấy thật rõ điều mình thật sự phải làm. Việc đó cũng có giá trị rất lớn”.
Qua tựa đề của cuốn sách, bà Sylvia Boorstein nói với chúng ta nhiều điều lắm. Đối với con người, sống là hành động và ngược lại, có hành động mới thể hiện mình đang sống. Suy nghĩ thường tình của chúng ta là như vậy. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ là chuỗi liên tục các hành động. Giống như trời đất xoay vần trong động và tĩnh, giữa các cơn mưa gió bão bùng là sự tịch lặng im ắng, con người sống trong hành động xen kẽ với “ngồi yên”. Thậm chí, con người rất nên đang làm mọi chuyện mà vẫn có thể “ngồi yên”. “Đừng làm điều gì cả, chỉ ngồi yên đó” không có nghĩa sống trên đời không nên làm gì hết, mà nên để tâm thức tĩnh lặng để thấy thật rõ, để thấu hiểu mình đang làm gì. Hay câu đó cũng là kêu gọi, làm đủ mọi việc trên đời nhưng ta vẫn “ngồi yên”. “Ngồi yên” đây chính là để tâm thức tĩnh giác, yên lặng không “lăng xăng” bị lôi cuốn theo các ý tưởng tham, sân, si chi phối hành động của mình. Trên con đường phát triển trong thế giới vô thường này, con người luôn luôn hiện hữu với “cái tôi” xấu xí. Thoát thai từ một động vật, con người dính liền với bản năng luôn phóng chiếu của đủ loại dục vọng. Con người luôn tìm cách thỏa mãn các loại dục vọng đó, ý thức hay không ý thức, mà bất kể lợi ích của tha nhân. Từ đó con người sinh ra tham lam, đố kỵ, tị hiềm… trong quan hệ với nhau. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người gây ra biết bao tàn nhẫn, khổ đau cho mình và cho người xuất phát từ “cái tôi” luôn muốn được bành trướng phóng hiện, cái “bản ngã” chứa quá nhiều dục vọng. “Ngồi yên” trong hành động chính là giải thoát khỏi “cái tôi” xấu xí, “cái tôi” tràn ngập tham sân si đó.
Đối với những nhà chuyên môn y dược, làm việc trước người bệnh rất cần những khoản “ngồi yên” kể trên. Trước người bệnh, thầy thuốc làm đủ mọi chuyện cho việc khám chữa bệnh nhưng vẫn “ngồi yên” với ý nghĩa “Trước hết, đừng gây hại” (Primum non nocere), xuất phát từ câu nói được cho là của Hippocrates, ông tổ ngành Y. “Ngồi yên” đây là không làm những gì gọi là “sai sót y khoa” dẫn đến tai biến làm tổn hại sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh. Muốn như vậy, rõ ràng người thầy thuốc bắt buộc phải toàn tâm toàn ý trong công việc chuyên môn, tu dưỡng, rèn luyện liên tục các kiến thức kỹ năng, luôn cập nhật thông tin y dược mới cũng như sẵn sàng chân thành chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn với các đồng nghiệp. “Ngồi yên” ở đây là trước người bệnh chỉ nghĩ đến lợi ích của người bệnh, không để bị lôi cuốn theo các ý tưởng tham, sân, si chi phối hành động của mình. “Ngồi yên” ở đây là “làm như không làm” hiểu theo nghĩa “làm nhưng không nhằm thỏa mãn cái tôi được đặt làm trung tâm cuộc sống”.
Xin các thầy thuốc hãy “làm như không làm” vì người bệnh vậy.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC