Làm người bệnh hài lòng bắt đầu từ việc nhỏ

29-04-2016 09:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Có thể nói nghề y là một nghề đặc biệt hay nói cách khác dịch vụ y tế được coi là dịch vụ tiêu biểu của các ngành dịch vụ vì trong đó bao gồm hầu hết các yếu tố từ cung cấp dịch vụ ăn, mặc, ngủ nghỉ đến việc chăm lo cả tính mạng cho người bệnh.

Có thể nói nghề y là một nghề đặc biệt hay nói cách khác dịch vụ y tế được coi là dịch vụ tiêu biểu của các ngành dịch vụ vì trong đó bao gồm hầu hết các yếu tố từ cung cấp dịch vụ ăn, mặc, ngủ nghỉ đến việc chăm lo cả tính mạng cho người bệnh. Đối tượng cung cấp dịch vụ rất đa dạng từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đối tác… Bệnh nhân không những chỉ đau đớn về mặt thể chất mà việc phải ở bệnh viện cũng khiến họ cảm thấy khó chịu về mặt tâm lý. Vì vậy hơn ai hết, những người thầy thuốc cần chăm sóc họ bằng cả tình yêu thương, sự thấu hiểu và cung cấp các dịch vụ y tế tốt nhất.

Khi bệnh nhân vào viện, mong muốn đầu tiên của họ là được khám và chữa khỏi bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc, phẫu thuật cũng như các biện pháp can thiệp khác thì sự thoải mái, hài lòng của bệnh nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến bệnh tật.

Làm sao để người bệnh hài lòng? Đây là câu hỏi luôn nung nấu trong tâm trí của những người làm trong các bệnh viện như tôi. Câu trả lời đôi khi rất rõ ràng: nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc, xây dựng bệnh viện thật “hoành tráng”, mua sắm máy móc trang thiết bị đắt tiền, đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn với tác phong làm việc chuyên nghiệp… Nhưng thực tế cho thấy, sự hài lòng của người bệnh nhiều khi lại bắt đầu từ những việc rất nhỏ, rất đời thường - đó là việc chào hỏi.

Hết lòng vì người bệnh là phương châm chữa bệnh của người thầy thuốc

Văn hóa chào hỏi không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là xã giao mà nó còn thể hiện sự khích lệ động viên lẫn nhau giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa nhân viên y tế đối với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Giúp cho bệnh viện có bầu không khí làm việc ấm áp, vui vẻ hơn, khi không khí làm việc khác thì tâm trạng nhân viên y tế cũng sẽ khác và điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm trạng của bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân. Với lượng công việc quá nhiều, thời gian eo hẹp cùng với việc có quá nhiều sức ép đã khiến cho chúng ta dễ quên đi văn hóa chào hỏi. Trong khi đó, tìm đến bệnh viện đều là những người đang ở trong tình trạng cấp bách và tâm trạng không tốt. Với họ, chỉ cần một nụ cười, một lời chào hỏi động viên cũng khiến họ cảm động. Vì vậy, theo tôi, việc mang nụ cười và lời chào sẽ phải trở thành văn hóa tiêu biểu, là bộ mặt của một bệnh viện.

Khi bước vào một bệnh viện, hình ảnh sảnh chờ, phòng nhân viên y tế, nhà vệ sinh, bảng chỉ dẫn quyết định ấn tượng đầu tiên về bệnh viện. Nếu như sảnh chờ được vệ sinh sạch sẽ, không có mùi thuốc khử trùng mà bệnh viện thường hay sử dụng, những chiếc ghế êm ái, một vài bài báo về sức khỏe, hay một vài dòng giới thiệu về bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ cho bệnh nhân tại sảnh chờ, tại phòng khám bệnh trong lúc chờ khám, nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, một chút tinh dầu thơm sẽ tạo cho người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu biết bao.

Ở bệnh viện, ngoài việc bệnh nhân muốn được điều trị về mặt thể chất, họ rất cần nhận được sự quan tâm và khích lệ về mặt tinh thần. Một trong những điều khiến họ cảm thấy được quan tâm - đó là được ăn những món ăn ngon được chuẩn bị bằng cả tấm lòng, thực phẩm được chọn lựa an toàn, những điều tưởng chừng nhỏ nhưng để hoàn thiện nó quả thật không hề dễ dàng đối với những người làm nghề y chúng ta.

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh trước hết phải xây dựng một bệnh viện thân thiện, là nơi khiến mọi người cảm động, nơi mà những bác sĩ, điều dưỡng chúng ta không phải là những người khiến bệnh nhân sợ hãi mà là những người bạn luôn sát cánh bên họ. Nơi mà bất cứ lúc nào người bệnh cũng có thể đến để khám mà không ngại những thủ tục rườm rà, để được nghe tư vấn về sức khỏe của mình, sẽ luôn có người bên cạnh chờ đợi và giúp cho bệnh nhân không còn cảm thấy quá hồi hộp và lo lắng. Trong bệnh phòng, người thầy thuốc luôn bên cạnh bệnh nhân, đến với họ bằng tình yêu thương, thái độ cảm thông, chia sẻ, một ánh mắt, một nụ cười, một lời hỏi thăm, động viên đúng lúc khiến họ cảm thấy ấm lòng, yên tâm thoải mái và đó thực sự là một liều thuốc vô giá làm vơi bớt đi những cơn đau, những nỗi lo lắng về bệnh tật, sự mệt mỏi về thể xác.


Nguyễn Phương Thảo
Ý kiến của bạn