Là một nhạc sĩ mà hiếm hoi, khi cứ vào dịp cuối năm lại đều đặn cho ra mắt đêm nhạc của riêng mình, nhưng năm nay có vẻ lịch trình đã thay đổi, anh trình làng sớm hơn. Vậy anh có thể chia sẻ về đêm nhạc cũng như điểm nhấn?
Nhiều người hỏi tôi là tiêu chí của đêm nhạc này được so sánh các chương trình khác như thế nào. Tôi có nói vui thế này, tôi chỉ làm để... tát chết Phú Quang thôi, chứ không có ý định so sánh với bất cứ ai, hay chương trình nào.
Chương trình đêm nhạc Phú Quang với tựa đề “Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể”, tức là nhạc sĩ sẽ tiếp tục tiết lộ về cuộc đời của mình cho khán giả?
- Trong chương trình lần này, khán giả sẽ được biết nguồn gốc của sự ra đời một số ca khúc, mà tôi chưa bao giờ kể. Cụ thể như thế nào thì bây giờ tôi không tiết lộ được, phải đợi đến đêm nhạc thôi.
Nhưng chắc chắn là phải có một lý do đặc biệt nào đó thì bây giờ mới kể. Và nhạc sĩ sẽ hé lộ những câu chuyện tình của mình?
- Cũng không có gì đặc biệt đâu, chỉ là muốn đặt tít như thế để gây tò mò với mọi người. Cũng có thể tôi sẽ hé lộ một ít, nhưng nếu mà kể về các cuộc tình của cả cuộc đời thì dài lắm, nếu thế thì tôi giống như nhân vật Sheherazade trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Chỉ riêng với người vợ hiện tại, tôi cũng đã có nhiều ca khúc trữ tình để tặng như: “Mùa thu giấu em”, “Roman số 4”...
Trở lại với chương trình, lý do nào anh mời NSND Lê Khanh là người dẫn chuyện mà không phải là một ai khác, ví dụ một người bạn thân đã hiểu anh, cùng anh trải qua nhiều buồn vui, gian khó để chương trình hay hơn?
- (Cười)... Tôi không dại gì mà mời một anh bạn thân nào đó để dẫn chuyện vì nói thật nếu mời anh bạn đó, anh ta sẽ nói lộ hết tật xấu của tôi à? Nói đùa vậy thôi, chứ tôi mời Lê Khanh, nhưng không phải mời với tư cách người giới thiệu mà chị ấy sẽ là người đưa đẩy chương trình. Sẽ có lúc khán giả nghe chị ấy nói và chưa hiểu chuyện gì thì ngay sau đó khi bài hát được cất lên, khán giả sẽ hiểu à câu chuyện mà chị ấy nói là nói về bài hát này.
Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ: “Gần 50 năm cuộc đời, điều tôi đúc rút được là không gì bằng được đứng trên sân khấu ở Việt Nam thì giống như mình đang đứng ở nhà mình, được trở về với ngôi nhà thân thương của mình, nên có cái gì đó rất khó tả, một cảm xúc dâng trào khó nói thành lời”.
Nhiều người nói, anh là nhạc sĩ giỏi, bởi mỗi khi tổ chức đêm nhạc, bao giờ cũng tổ chức đến 3 đêm và cả 3 đêm đều bán hết vé...
- Tôi là người đầu tiên làm về chương trình ca nhạc cá nhân và khi đầu tiên làm ở tại TP.HCM trong 3 đêm, thì lúc đó có rất nhiều người cứ bảo tôi là “thằng này ngu thế sẽ chết đứng trên sân khấu”. Nhưng đến khi tôi bán hết vé cả 3 đêm, họ lại nói với tôi “thằng này khôn thế làm gì chả bán được hết vé”...
Và khi họ nói thế, tôi chỉ biết cười thôi, nhưng thực ra tôi có một nguyên tắc thế này, mình làm hết sức mình, mình tôn trọng khán giả. Giống như khách đến chơi nhà, mình tiếp đãi hết sức lịch sự, ân cần thì không có lý do gì, khách có những lời lẽ thô bạo với mình.
Có một câu của mẹ tôi mà suốt từ bé cho đến tận bây giờ tôi vẫn rất nhớ. Mẹ tôi luôn luôn dạy tôi câu, con ơi, con hãy nhớ câu này: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tức là đầu tiên hãy tự trách mình đã, sau đó mới nghĩ đến trách người khác. Về đêm nhạc cũng thế, khi mình làm hết mình, mình tôn trọng khán giả, thì không lý do gì khán giả lại bảo tôi là người không ra gì hoặc chửi tôi thậm tệ được.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Theo Thanh Hà (Dân Việt)