Làm lại phim - Lợi và hại

07-12-2016 14:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Làm lại phim nổi tiếng (remake) không còn là chuyện lạ với giới trong nghề ở nước ta cũng như quốc tế.

Làm lại phim nổi tiếng (remake) không còn là chuyện lạ với giới trong nghề ở nước ta cũng như quốc tế. Thời gian qua, nhiều bộ phim ở nước ta làm lại từ tác phẩm ăn khách của nước ngoài đem lại thành công nhất định về mặt doanh thu, tạo sự lan tỏa. Tuy nhiên, quá trình làm lại phim quốc tế tại Việt Nam cũng đang cho thấy những điều đáng suy ngẫm.

Hiệu ứng đẹp khi remake phim

Theo giới trong nghề, phim remake hiểu theo nghĩa hẹp là làm lại phim kinh điển, nghĩa rộng là những phim mới sử dụng lại gần như toàn bộ chất liệu, phong cách, cấu trúc của các phim đình đám năm xưa. Trong nhiều năm trở lại đây, trào lưu remake phim được giới làm nghề trên thế giới áp dụng và tại nước ta, remake phim lâu nay cũng đang được ưa chuộng và thu về những trái ngọt.

Khá nhiều tác phẩm điện ảnh Việt thời gian qua có doanh thu phòng vé lên tới tiền tỷ hoặc có sức lan tỏa, được khán giả đánh giá cao từ việc làm lại (mua bản quyền, vay mượn ý tưởng từ tác phẩm nước ngoài). Điển hình là bộ phim  Em là bà nội của anh, thực chất được làm lại từ Miss Granny của Hàn Quốc. Sau đợt công chiếu, Em là bà nội của anh đã tạo nên cơn sốt vé và thu về 102 tỷ đồng. Đạo diễn bộ phim Em là bà nội của anh cho biết, thực tế, tác phẩm chuyển thể đã giữ được gần như hoàn toàn cốt truyện, tinh thần hài hước và cả tính nhân văn trong nguyên tác, đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố thuần Việt khi nói về tình cảm gia đình hay lồng ghép những nhạc phẩm Việt một thời vang bóng. Chính điều đó giúp phim có được thiện cảm từ người xem khi vừa có kịch bản gần như hoàn chỉnh, vừa “đánh” được vào tâm lý người Việt thích xem những bộ phim “hơi hướng” Việt.

Phim Em là bà nội

Làm lại từ tác phẩm gốc của Hàn Quốc, Em là bà nội của anh lập kỷ lục phòng vé ở Việt Nam với 102 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bộ phim 49 ngày (phần 1) cũng được cho đã “mượn” ý tưởng từ Hello Ghost của điện ảnh Hàn Quốc. 49 ngày chỉ sau 3 ngày ra rạp đã thu về 15 tỷ đồng, được xếp vào hàng ăn khách nhất trong năm ngoái. Trái với những lầm tưởng ban đầu rằng 49 ngày sẽ là một phim hài lãng mạn và nhẹ nhàng kiểu Hàn Quốc, bộ phim này lại đưa khán giả vào những bi kịch, những giọt nước mắt khi ba con ma bắt bầu kể về quá khứ, lý do chết yểu của mình cho anh chàng mồ côi có ý định tự tử tên Đông. Ngoài ra, bối cảnh trong phim cũng rất Việt Nam với những khung hình sôi động hoặc thơ mộng ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt, khác với các bối cảnh trong phim nước ngoài và cho người xem thấy một vẻ đẹp hiếm có.

Tạo nên sự khởi sắc cho điện ảnh Việt trong trào lưu remake phim chính là Gái già lắm chiêu làm lại từ tác phẩm gốc Not Suitable for Children của Úc. Chỉ ít ngày sau khi đem ra rạp, khán giả đã ùn ùn kéo tới xem phim này và vì thế phim thu về hàng chục tỷ đồng doanh thu phòng vé. Truyền tải thông điệp đơn giản nhưng ý nghĩa về thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, Gái già lắm chiêu có cách tiếp cận vấn đề rất trực diện, táo bạo và vẫn tràn ngập tiếng cười qua lăng kính hài hước. Đặc biệt, nhân vật Linh San trong phim truyền tải thông điệp: “Điều hạnh phúc nhất của người phụ nữ là được thực hiện thiên chức làm mẹ, dù chỉ một lần duy nhất trong đời”. Theo tiết lộ của một số người làm nghề, hầu hết những bộ phim trên đều thành công về doanh thu mà không tốn 1 đồng bản quyền chuyển nhượng kịch bản.

Và những trăn trở

Thực tế thành công về mặt doanh thu, sức lan tỏa của các bộ phim Việt làm lại từ tác phẩm nước ngoài kể trên không thể phủ nhận. Nhưng cũng chính từ điều này phản ánh, dường như chúng ta đang thiếu những kịch bản hay, có chất lượng nên mới phải làm theo cách remake. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film thừa nhận, đơn vị của bà chọn phương án remake những phim ăn khách của nước ngoài vì thiếu kịch bản hay. “Chúng tôi bắt tay vào dự án ban đầu là phim remake nhưng trong quá trình Việt hóa đã thay đổi đến 90% kịch bản gốc và cuối cùng biến nó thành một kịch bản Việt. Vì vậy, dự án từ remake chuyển thành hợp tác và may mắn là phía đối tác Hàn Quốc vẫn ủng hộ như lúc đầu” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ về dự án Việt hóa phim điện ảnh Hàn Quốc Sắc đẹp ngàn cân.

Ít người biết, phim truyền hình Việt remake từ tác phẩm gốc của Hàn Quốc, Thái Lan, Colombia không tạo được dấu ấn và nhanh chóng chìm vào quên lãng trong thời gian qua có: Cô gái xấu xí, Vòng xoáy tình yêu, Ngôi nhà hạnh phúc, Người mẫu, Đam mê nghiệt ngã... Những phim Việt remake này tạm được gọi là “thất bại” bởi nhiều người cho rằng diễn viên chưa nhập vai, vai trò của đạo diễn chưa tốt, bản thân tác phẩm gốc rất hay nhưng chúng ta thiếu tính sáng tạo. Theo diễn viên kiêm đạo diễn Trương Ngọc Ánh, remake phim ở nước ta hiện nay không có gì sai, bởi làm tốt sẽ đem về doanh thu khủng để nuôi sống người làm nghề cũng như khẳng định được tài năng của những nhà làm phim Việt. Tuy nhiên, để thành công trên con đường remake phim, chúng ta cần Việt hóa kịch bản một cách thuần Việt chứ không phải bê nguyên kịch bản của nước ngoài để áp dụng vào đời sống xã hội, văn hóa người Việt.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn