Đây không còn là trào lưu quá mới, bởi nó đã lan rộng trên khắp thế giới. Cover không có gì là xấu, nhưng nếu bản cover gây sốt trên cộng đồng mạng và đem đến sự thành công hơn cả bản chính thì có lẽ mọi chuyện sẽ không còn đơn giản nữa.
Làm lại cũng phải sáng tạo
Dễ dàng nhận thấy phần lớn các bản cover thường có sự biến tấu về giai điệu, âm nhạc bắt tai, mang hơi hướng acoustic hoặc ballad nhẹ nhàng. Đây là 2 phong cách dễ “đốn tim” người nghe nhất. Đôi khi một số bản cover có sự biến tấu lời bài hát hay còn gọi là nhạc chế. Đây cũng được coi là một thể loại của cover khá phổ biến. Ở Việt Nam, thị trường làm lại bài hát hit phát triển rất mạnh mẽ. Hầu như bản hit nào khi mới được ra mắt cũng có những bản cover trong một vài tuần sau đó. Nhiều khán giả khẳng định, có rất nhiều bản cover thực sự chất lượng và tạo được sức hút riêng.
Hiện nay, nhiều ca sĩ không chọn phương thức phát hành dự án trên kênh youtube và quyết định cover các ca khúc đình đám một thời thành những ca khúc hoàn toàn mới. Những bản nhạc ăn khách hàng chục năm trước xuất hiện trên thị trường âm nhạc tại thời điểm hiện tại theo một phong cách mới đã mang đến một làn gió vào thị trường âm nhạc Việt Nam. Không thể phủ nhận được xu hướng này đang dần phát triển, biến bài hát nổi tiếng cũ thành tư duy âm nhạc hiện đại, văn minh được xem là lối đi khá hiệu quả và đem đến sự thành công cho nhiều nghệ sĩ trẻ.
Hương Ly bị “ném đá” vì trình làng bản cover ngay khi bài hát gốc vừa ra mắt.
Trào lưu cover đang bị lạm dụng?
Hiện tượng cover thành công nhất cho đến nay phải kể đến Thái Tuyết Trâm. Cô đã trở thành một “hiện tượng cover” sau khi hát lại bài hit Anh cứ đi đi của Hari Won, đạt hơn 10 triệu lượt view trên kênh youtube. Nhờ bài hát này, Thái Tuyết Trâm cũng nhận được một số lời mời bước vào làng giải trí. Ngoài ra, còn có thể kể đến Ngô Đông Hạnh (cover La La La của Soobin Hoàng Sơn), Võ Evo (cover các bài hát của Sơn Tùng MTP), Shin Jin Ju (cover Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn)... và nhanh chóng trở thành những hiện tượng được mến mộ của cộng đồng mạng.
Sẽ như thế nào nếu bản cover thậm chí còn được cộng đồng mạng cho là chất lượng hơn cả bài hát gốc? Ví như cô nàng du học sinh Olia Hoang tự dịch lời sang tiếng Anh và vừa đàn vừa hát ca khúc Chắc ai đó sẽ về, với lời dịch hay, luyến láy ngọt ngào, nhiều người thậm chí còn khen bản cover này “độc lạ” hơn bản gốc của Sơn Tùng. Tương tự, Vicky Nhung trình diễn sau Da LaB ca khúc Một nhà, nhưng thậm chí nhiều cư dân mạng chỉ biết đến bài hát này do Vicky Nhung hát.
Mâu thuẫn giữa nghệ sĩ hát bản gốc với nghệ sĩ cover chỉ thực sự bùng lên khi người ta nhắc đến cái tên Nguyễn Hương Ly - hiện tượng mạng chuyên thể hiện lại các ca khúc đình đám của nghệ sĩ nổi tiếng. Hiện nay, cô đang bị không ít khán giả “ném đá” vì trình làng bản cover ngay khi bài hát gốc vừa ra mắt. Cụ thể, có ý kiến cho rằng Hương Ly đang “ăn cắp chất xám” của nghệ sĩ vì phần lớn những bản cover của cô được trình làng ngay khi bài hát gốc vừa ra mắt ít ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quảng bá cũng như quyền lợi của ca sĩ như Erik hay Jack và K-ICM...
Trước khi dính vào lùm xùm này, Hương Ly từng gây chú ý với những bản cover có lượt view “khủng”. Những người yêu mến đặt biệt danh cho cô là “ngọc nữ cover” bởi vẻ ngoài xinh đẹp, nổi bật. Mới đây, Hương Ly thông báo sẽ chuyển hướng sang hoạt động ca hát chuyên nghiệp. Trước câu hỏi liệu cô có còn tiếp tục cover, cô đáp: “Tôi vẫn sẽ hát nếu thích ca khúc đó và xin được đầy đủ tác quyền. Tôi nghĩ nó cũng không ảnh hưởng đến sản phẩm riêng của mình”. Thế nhưng, trong một diễn đàn, một dân mạng đã cho ra rằng “thánh nữ cover” này chuyên đi phá hỏng hit của người khác. “Bài hát của người ta bỏ chất xám ra để sáng tác từng câu từng chữ, bỏ tiền ra để làm MV nhưng Hương Ly chỉ việc ngồi không học thuộc rồi cover lại là kiếm được rất nhiều tiền, chưa tính đến quảng cáo”.
Bên cạnh đó, nhiều dân mạng lại nhận xét cô có giọng ca một màu, bản cover nào cũng giống nhau, không có sự đa dạng. Thực tế, “Hương Ly cover nhạc không sai nhưng việc bản cover chỉ ra mắt sau khi MV chính ra được vài ba ngày đã làm ảnh hưởng đến nghệ sĩ” là ý kiến được nhiều người đồng ý. Dẫn chứng được đưa ra là khi Hương Ly ra mắt bản cover Có tất cả nhưng thiếu anh chỉ sau bản gốc của Erik đúng 3 ngày, lượt view còn cao hơn cả bản chính. Người này cũng nói rằng bản cover toàn autotune, giọng hát chỉnh sửa quá nhiều.
Câu chuyện của Hương Ly còn vô tình hướng khán giả đến những vấn đề khác trong showbiz, nơi những người trẻ lắm chiêu trò, thích nổi tiếng nhanh bằng mọi cách tạo ra các scandal “không giống ai”. Và có lẽ “công thức” nổi tiếng của những người trẻ có chút năng khiến âm nhạc, có ngoại hình bắt mắt chính là cover các bản nhạc đang nổi đình nổi đám. Cho đến nay, công thức đó gần như đã hiệu nghiệm hơn 90% cho các trường hợp. Đó là lý do khiến trào lưu “cover ca khúc hit” ngày một mạnh. Với một bài hát nổi tiếng, người nghe có thể tìm thấy hàng chục, vài chục bài cover của nhiều người khác nhau.
Nhìn chung, hình thức cover bài hát ngày càng phổ biến, nhưng không phải ai cũng biết, cover bài hát cũng được quy định rất rõ ràng trong pháp luật nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu. Cover bài hát được hiểu là việc hát lại một bài hát đã có trước, bởi vậy có thể gọi đây là một dạng của tác phẩm phát sinh. Do vậy nếu muốn được cover ca khúc của người khác, bạn buộc phải có sự cho phép của tác giả hoặc chủ quyền sở hữu. Ngoại trừ các trường hợp sau: Sao chép một bản để nghiên cứu và giảng dạy; Biểu diễn tác phẩm trong các buổi sinh hoạt, tuyên truyền cổ động không thu phí; Chuyển tác phẩm sang ngôn ngữ khác hoặc sang chữ nổi. Ngoài ra, những bản cover cần phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác thương mại của bản chính. Chủ quyền của tác giả và chủ quyền sở hữu về bài hát không bị xâm phạm. Trong trường hợp vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc có thể bị phạt tới 15 triệu đồng.
Nhìn vào hiện trạng cover ca khúc hit trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay thì có thể thấy, trào lưu này không hẳn là sân chơi sáng tạo mà đang bị lạm dụng.