Hà Nội

Làm giàu từ... ốc

10-04-2011 08:07 | Xã hội
google news

Ðại bộ phận những người ngoại tỉnh đi mò ốc ở Hồ Tây đều được coi là thoát nghèo, thế nhưng có một bộ phận nhỏ những người “bám trụ” nhiều năm ở đây đã không chỉ không còn nghèo mà đã tiến tới no đủ và giàu có.

Ðại bộ phận những người ngoại tỉnh đi mò ốc ở Hồ Tây đều được coi là thoát nghèo, thế nhưng có một bộ phận nhỏ những người “bám trụ” nhiều năm ở đây đã không chỉ không còn nghèo mà đã tiến tới no đủ và giàu có.

Hằng năm, khi tiết trời bắt đầu nắng ấm báo hiệu một mùa hè sắp tới là tại mặt nước Hồ Tây của thủ đô Hà Nội lại đông đúc, tấp nập bởi những người mưu sinh bằng nghề mò trai, bắt ốc. Ngày trước, do kinh tế còn nghèo, đại bộ phận dân quanh hồ vẫn coi Hồ Tây là “cứu cánh” trong công cuộc mưu sinh hằng ngày. Nhà nào cũng có thuyền và theo nghề mò trai, cào ốc. Có gia đình thì đời con nối nghiệp đời cha với nghề này. Thế nhưng khoảng gần chục năm trở lại đây, chẳng còn người dân bản địa nào mặn mà với cái nghề khá vất vả  và cơ cực này, bởi cùng với đà đô thị hoá, đất đai trở nên có giá, vì thế nhà ai cũng bỗng chốc giàu lên như diều gặp gió và việc họ từ bỏ nghề mò trai bắt ốc là điều dễ hiểu. Lúc này, “mỏ trai, ốc” ở đây được “nhường” cho những người lao động ngoại tỉnh và khi mùa mò tới, dẫu có thiếu người dân bản địa của Xuân La, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Bưởi, Trích Sài… song sự nhộn nhịp đông đúc không hề giảm…

 Ngâm mình dưới nước mưu sinh.

Thoát nghèo từ con trai, con ốc

Nếu như những người dân quanh hồ đã bao năm sống được, thậm chí có nhà còn làm giàu bằng nghề mò trai bắt ốc ở Hồ Tây thì đối với những người lao động tỉnh lẻ, khi lên đây, họ chỉ có một mong muốn duy nhất là làm sao để kiếm sống qua ngày, để lo cho bản thân và gia đình thoát nghèo. Công sức lao động họ bỏ ra thật không uổng phí khi hầu như ai đã theo cái nghề “thân cò lặn lội” này thì đều… không đói và thoát nghèo. Chị Lê Thị Hoan, quê Mỹ Hào (Hưng Yên), 45 tuổi, người đã “bám trụ” ở Hồ Tây gần 10 năm nay kể về sự tình cờ đã dẫn chị tới với nghề mò trai, bắt ốc này. Chị bảo: “Mới đầu tôi lên Hà Nội làm nghề gánh thuê ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Do trọ cùng với mấy chị quê ở Thanh Hoá, làm nghề mò ốc, trai ở Hồ Tây và họ rủ nên tôi thử làm theo.Thoạt đầu thấy mệt, vất vả quá định bỏ, nhưng do thành quả thu được hằng ngày khá cao, có hôm mò bán trai, ốc… mua được mấy chục cân gạo, vì thế ham lắm…”. Qua trò chuyện cùng chị Hoan, tôi được biết, hằng năm chị bám trụ ở đây đến cả gần 10 tháng, chỉ trừ vài tháng rét mướt, tháng Tết mới về quê. Hằng ngày, khi trời mới tang tảng sáng, chị đã cùng mọi người trở giấc để chuẩn bị hành lý, đồ nghề cho một buổi mưu sinh. Nào áo mưa quấn quanh người chống nắng, chống rét. Nào giỏ, bao tải đựng sản phẩm trai, ốc. Rồi thì lỉnh kỉnh cả đồ ăn, nước uống mang theo cho bữa ăn trưa và những khi đói lòng…

Cùng nhóm mò với chị Hoan, bác Lê Thị Tám, quê Hà Nam, mặc dù năm nay đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn để con cháu ở quê lên đây kiếm sống. Bác Tám kể, do nhà nghèo quá, các con bươn chải kiếm sống muôn nơi mà vẫn không sao xua tan được cái nghèo, cái đói nên bác cũng tìm cách để giúp con, giúp cháu. Đến với công việc mò trai, bắt ốc ở Hồ Tây là do có một người hàng xóm đã mưu sinh trên này từ nhiều năm trước rủ nên bác Tám không mấy bỡ ngỡ do người hàng xóm kia “dìu dắt” vào nghề. Bác kể: “Thấm thoắt vậy mà đã 4 năm tôi theo cái nghề này rồi. Chẳng giấu gì anh, mỗi tháng trừ ăn tiêu, thuê trọ rồi tôi vẫn đều đều kiếm được vài triệu bạc gửi về quê cho con cháu. Kiếm được tiền, tôi thấy ham quá. Nhiều hôm mưa to, gió lớn, sóng đánh ì ụp như sóng biển, vậy mà chị em chúng tôi vẫn đi mò, vì nghĩ bỏ một buổi là mất đứt… cả trăm ngàn đồng!”.

Tiếp xúc với rất nhiều người làm nghề mò trai ốc ở đây tôi đều được nghe họ kể rằng, trước khi đến với Hồ Tây và nghề mò con trai, con ốc, nền kinh tế gia đình của họ có thể gọi là quá nghèo đói. Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian theo nghề này, cái nghèo, cái đói dần được xoá sổ. Hoàn cảnh của chị Trần Thị Bốn, 38 tuổi, quê Vĩnh Phúc là một ví dụ điển hình khi cách đây 6 năm, nhà chị vẫn thiếu đói vài tháng/năm, vậy mà từ khi chị “nhập hội” mò ở Hồ Tây, kinh tế gia đình bỗng trở nên no đủ. Chị tiết lộ rằng, trung bình 1 tháng kiếm được khoảng 4 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt, chị vẫn gửi về cho chồng nuôi con ở nhà khoảng 3 triệu.

Tiếp xúc và chứng kiến công việc mưu sinh của những người mò trai, bắt ốc ở Hồ Tây mới thấy họ quá vất vả khi phải dầm mình xuống nước nhiều tiếng đồng hồ trong ngày. Những hôm nắng ấm còn đỡ, nhiều hôm trời râm mát, hay như các tháng mùa đông gió bấc mưa phùn thì sự cơ cực còn tăng lên gấp bội khi chị nào, cô nào, bà nào cũng run rẩy vì thâm tím da thịt và rét. Thường thường, những người đi mò bắt đầu từ lúc 6 - 7 giờ sáng và kết thúc lúc 3 - 4 giờ chiều, khi ai đó đều tất tưởi mang sản phẩm tới chợ cho kịp phiên bán hàng. Họ miệt mài dưới nước và chỉ tranh thủ lên bờ ăn trưa nhoáng nhoàng vài chục phút rồi lại xuống hồ để mò ngay. Sự vất vả của họ được đền đáp bằng ngày công trung bình trên dưới 100.000 đồng/người, nên ai cũng như quên hết mệt mỏi, cơ cực, giá rét, bởi cái đích họ phấn đấu là thoát nghèo, tiến tới no đủ luôn hiển hiện ở phía trước…

 Thương lái thu mua ốc.

Và làm giàu cũng nhờ con ốc, con trai

Những năm gần đây, do người đi mò đông nên “mỏ trai, ốc” ở Hồ Tây cũng cạn dần do không kịp sinh sôi, nên thu nhập của người đi mò cũng vì thế mà giảm. Thế nhưng, cách đây khoảng dăm năm trở về trước, khi đó người mò khá thưa vắng nên ai nhập nghề này là coi như ăn đủ vì một ngày họ có thể kiếm vài trăm ngàn ngon ơ mà không quá vất vả. Anh Lê Văn Tân, ở Hoài Đức (Hà Tây cũ), người hiện giờ vẫn theo nghề này kể: “Năm 2005, mỗi ngày tôi bắt được một bao tải trai, khoảng 50kg, với mỗi kg bán buôn tại bờ lúc đó cũng được 4 - 5.000 đồng/kg, vị chi cũng kiếm vài trăm ngàn. Với giá vàng lúc đó chỉ trên dưới 500.000 đồng/chỉ, thì chỉ một tuần đi mò là tôi mua được hơn 2 chỉ vàng. Thời khắc đó, nhiều anh bạn tôi do mò giỏi mỗi tháng kiếm tới cả cây vàng là bình thường…”.

Vâng, chính vì vậy mà “điểm danh” những nhân vật thực sự giàu lên từ nghề mò trai, bắt ốc ở Hồ Tây phải kể tới những người có thâm niên, đã bám trụ ở đây nhiều năm. Sự tích cóp qua những năm kiếm ăn dễ dàng đã khiến họ giàu lên so với mặt bằng ở quê là điều tất yếu! Chị Nguyễn Thị Nga, quê Bắc Giang, là người có thâm niên tới 12 năm mò trai, bắt ốc ở đây tâm sự: “Bây giờ đi mò chỉ mong kiếm đủ ăn là khá, hoặc có tích cóp không đáng kể do nhiều người làm nghề quá mà trai, ốc lại ít đi do không sinh sôi kịp. Thế nhưng, ngày trước cứ lội quanh quẩn xuống chỗ nào dưới hồ cũng mò được… một vài trăm ngàn dễ như chơi. Ngay như tôi không khỏe, mò không giỏi mà những năm 2000 tôi cũng kiếm gần 3 triệu đồng/tháng (khi đó giá vàng chỉ chưa đầy 500.000 đồng/chỉ). Chính vì kiếm ăn được và có tích cóp do tiết kiệm nên gia đình tôi cũng xây được căn nhà mái bằng, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền từ lâu. Kinh tế gia đình tôi khấm khá lên nhiều lắm, con cháu cứ bắt mẹ “nghỉ hưu” nhưng thấy tiếc nên tôi cố theo vài năm nữa vì nghĩ sức khỏe vẫn còn tốt và ở nhà chơi cũng chán…”.

Cùng có thâm niên nghề mò như chị Nga, anh Tân…, giai đoạn thập kỷ 90 của thế kỷ trước, anh Trần Tuấn Nam, quê Nam Định là người cũng thực sự “nâng tầm” kinh tế gia đình mình lên bằng nghề mò ốc ở Hồ Tây. Bôn ba nơi sóng nước, lặn ngụp bắt từng con trai, con ốc suốt 13 năm, vậy mà anh đã tích cóp cho mình khối tài sản lên tới cả mấy trăm triệu đồng. Anh Nam cho biết, chỉ nốt năm nay thôi, anh sẽ chia tay Hồ Tây để về quê làm nghề buôn bán gì đó, bởi bây giờ công việc này không còn “thịnh” nữa, với lại thời gian theo đuổi nghề này đã quá lâu, nên anh muốn thay đổi.

Sự giàu có là vô cùng, khi đối với người này cả trăm tỷ vẫn là chưa đủ, còn người khác chỉ là trên mức đói nghèo một chút họ đã cho là mình… giàu rồi! Đối với những người làm công việc mò con trai, bắt con ốc ở Hồ Tây thì khi họ đưa kinh tế gia đình mình từ chỗ túng đói đến lúc đủ ăn, xây dựng được nhà, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đủ đầy… thì như vậy đã là quá giàu rồi. Sự giàu có qua công sức, sự tích góp của họ quả là bền vững và đáng quý. Đây cũng có thể xem là bài học mưu sinh để thoát nghèo và làm giàu cho nhiều người khác noi theo. 

Bài và ảnh: Đức Trọng


Ý kiến của bạn