Làm giả chứng minh nhân dân rút hàng chục tỉ đồng tại nhiều ngân hàng

29-04-2022 22:28 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sử dụng chứng minh nhân dân dán ảnh mình nhưng tên của người khác; dùng chứng minh nhân dân của người khác có khuôn mặt gần giống với mình là cách các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của nhiều cá nhân thời gian gần đây.

Dùng chứng minh nhân dân giả lừa ngân hàng, mạng viễn thông

Đối tượng Trần Thùy Anh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã sử dụng chứng minh nhân dân của 3 người khác có những điểm tương đồng về khuôn mặt của mình để mở 7 tài khoản ngân hàng. Đây là những tài khoản trung gian nhận tiền từ hành vi chiếm đoạt tiền từ các tài khoản khác. Sau khi mở, Trần Thùy Anh tiếp tục dùng những chứng minh nhân dân này 7 lần đến ngân hàng để rút tiền, lần nhiều nhất là 4 tỉ đồng.

Khi nhân viên hỏi khuôn mặt trong chứng minh nhân dân trông trẻ hơn bây giờ, Trần Thùy Anh cho biết do đã làm chứng minh nhân dân từ lâu và hiện không có giấy tờ khác nên nhân viên ngân hàng vẫn đồng ý cho rút tiền.

Đối tượng Nguyễn Trung Kiên làm giả chứng minh nhân dân sau đó chiếm đoạt sim điện thoại của những tài khoản chiếm đoạt được để chiếm quyền truy cập Internet Banking.

Đối tượng Nguyễn Trung Kiên làm giả chứng minh nhân dân sau đó chiếm đoạt sim điện thoại của những tài khoản chiếm đoạt được để chiếm quyền truy cập Internet Banking.

Không những qua mặt được các ngân hàng, các đối tượng còn làm giả chứng minh nhân dân. Cụ thể, các đối tượng dán ảnh mình nhưng tên của người khác để lừa các nhà mạng viễn thông. Việc làm này nhằm mục đích lấy được sim điện thoại của những tài khoản chiếm đoạt được để chiếm quyền truy cập Internet Banking.

Tại cơ quan công an, đối tượng Nguyễn Trung Kiên (trú tại Tây Hồ, Hà Nội) khai nhận, khi xin cấp lại sim chỉ cần đưa chứng minh nhân dân trùng thông tin trên hệ thống là được cấp lại sim. Số điện thoại mà người ta sử dụng ở các tài khoản này dùng để nhận mã OTP. Khi được cấp lại sim điện thoại, có tin nhắn báo mã OTP các đối tượng sẽ nắm được.

Với phương thức thủ đoạn hoạt động rất tinh vi này, các đối tượng đã thực hiện chiếm đoạt rất nhiều tài khoản của các các nhân mở tại nhiều ngân hàng khác nhau như: Ngân hàng BIDV, ACB, Techcombank, SHB, MBbank,…với tổng số tiền hơn 17 tỉ đồng.

Tài khoản không chính chủ - Lỗ hổng cần được bịt kín

Theo Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho biết, cờ bạc, lừa đảo, rửa tiền... là những tội phạm thường xuyên sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Trước khi chuyển tiền về tài khoản không chính chủ, các đối tượng bằng nhiều cách sẽ chiếm đọat tài khoản ngân hàng của các cá nhân.

Tài khoản ngân hàng là điểm đến cuối cùng để biết được tội phạm là ai. Do vậy, các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản không chính chủ để che dấu danh tính. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ án sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đều sử dụng tài khoản không chính chủ.

Có 2 loại tài khoản không chính chủ mà tội phạm mạng thường sử dụng. Một là mua tài khoản của người khác để rút tiền qua thẻ. Thứ hai, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác hoặc chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản sau đó chuyển, rút tiền.

Tội phạm mạng giờ đây không chỉ lừa người dân để sử dụng tài khoản không chính chủ mà nghiêm trọng hơn còn lừa cả ngân hàng để sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội. Để hạn chế được tình trạng sử dụng tài khoản không chính chủ cần thực hiện việc kết nối thông tin với trung tâm dữ liệu của Bộ Công an để đối chiếu xem chứng minh nhân dân của khách hàng khi giao dịch là thật hay giả. Hình ảnh dữ liệu có đúng người không. Hoặc xác minh thêm các thông tin khác nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc quản lý khi mở tài khoản cho khách hàng.

Điều cần biết về việc khi nào tiêm vaccine COVID-19 khi trẻ vừa tiêm vaccine khác


H.P
Ý kiến của bạn