Làm gì trước những đứa trẻ không bao giờ chịu ngồi yên?

20-10-2019 07:15 | Đời sống
google news

SKĐS - Cầm quả bóng chưa được 2 giây, cậu bé vứt nhanh ra một góc rồi leo lên ghế, tiếp đến, nó nhảy xuống chạy nhanh đến chậu kiểng vặt lia lịa mấy bông hoa... Nhìn đứa con 6 tuổi cứ liên tay liên chân không ngừng nghỉ, người mẹ ngao ngán lắc đầu.

Buông cái này bắt cái kia và ngang bướng

Tại Khoa Khám Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, BV.Tâm thần TP.HCM, đây không phải là trường hợp duy nhất mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).Có hôm chỉ một buổi sáng, các BS đã khám đến hàng chục trường hợp.Biểu hiện của các bé như nhau.

Được mẹ đưa đến khám, bé trai 11 tuổi nhà ở Tiền Giang “quậy tưng” căn phòng của BS dù mới đến đây lần đầu. Cu cậu không chịu ngồi yên, đứng lên, chạy nhảy, nghịch phá đồ đạc khắp phòng, nằm lăn ra đất khóc khi mẹ ngăn lại. Một bé khác nhất định đòi cho bằng được cái bong bóng trên tay bạn nhưng khi bạn cho mượn lại quăng ngay rồi chạy đến giật phăng cây bút trên bàn của BS.

Một trường hợp khác, bé trai 8 tuổi cũng được cha mẹ đưa đến khám do tập trung kém, trí năng kém, không đếm được bàn tay có bao nhiêu ngón; đồng thời diễn đạt ngôn ngữ chưa tốt, có hành vi vận động phá phách, chạy liên tục…

BS.CKI. Nguyễn Thị Giang - Trưởng Khoa Khám Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, BV.Tâm thần TP.HCM, cho biết, hầu hết các trường hợp trên đều được chẩn đoán bị ADHD và được điều trị bằng thuốc. Phải khoảng vài tuần các bé mới bắt đầu giảm bớt các hành vi lăng xăng, nghịch phá, chịu ngồi yên lâu hơn, tập trung khá hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sau nhiều tháng dùng thuốc, bé cải thiện tốt nhưng gia đình bỏ điều trị khiến tình trạng phá phách của các bé càng nặng hơn, một số em còn không ý thức được nguy hiểm. Thậm chí cô giáo từ chối dạy vì bé thường gây náo loạn trong lớp học, leo trèo khi cô giáo đang dạy.

Theo ThS.BS Đinh Thạc - Trưởng Khoa Tâm lý, BV Nhi đồng TP.HCM, ADHD là rối loạn phát triển tâm thần mạn tính và rất phổ biến hiện nay. Bệnh gồm 3 thể: giảm chú ý (trẻ dễ dàng bị phân tâm); tăng động - xung động (rất hiếu động và bốc đồng); phối hợp (đây là thể gặp nhiều nhất, trẻ có cả 3 dấu hiệu tăng động, xung động, giảm chú ý).

Làm gì trước những đứa trẻ không bao giờ chịu ngồi yên?

Bệnh được xác định có nhiều nguyên nhân, trong đó từ 60 - 90% liên quan đến di truyền. Bên cạnh đó, những yếu tố góp phần khiến trẻ mắc bệnh như mẹ hút thuốc lá, uống rượu, tiểu đường trong quá trình mang thai khiến trẻ bị sinh non, thiếu ôxy, nhẹ cân; trẻ bị viêm não - màng não, chấn thương đầu, hoặc nhiễm độc chì…

Điều hết sức nguy hiểm là ADHD rất khó chẩn đoán: Không thể có được các chẩn đoán sinh học; không hề có các trắc nghiệm tâm lý giúp chẩn đoán ADHD. Chủ yếu chỉ dựa vào quan sát triệu chứng hành vi (manh động, phá phách, thiếu sự tập trung…và có biểu hiện khác thường không thích hợp với bạn cùng trang lứa)… Cho đến tận bây giờ, việc chẩn đoán và xác định bệnh chủ yếu từ chi tiết bệnh sử do cha mẹ, hoặc giáo viên, hoặc người cung cấp tin…

Rối loạn tăng động giảm chú ý được cho là có liên quan mạnh mẽ đến di truyền

Nhận diện

BS. Đinh Thạc nhận định, để nhận biết trẻ bị ADHD, phụ huynh cần quan sát, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động hàng ngày của trẻ từ việc ăn uống, ngủ nghỉ đến học tập, vui chơi. Một số những biểu hiện giảm chú ý thường thấy ở trẻ:

Thường quên bài vở, mất dụng cụ học tập: Ở lớp, trẻ ADHD thường hay để quên tập vở ở nhà. Khi về nhà, bố mẹ trẻ lại thường đau đầu do con liên tục làm mất bút (thậm chí mất cả cặp) khiến phải mua mới liên tục và dặn dò kỹ lưỡng nhưng trẻ quên vẫn hoàn quên.

Không giao tiếp với bạn bè: Trẻ ADHD thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi môi trường mới.

Lơ đãng, hay mơ màng: Trẻ ADHD không hề kém thông minh so với các bạn. Tuy nhiên, chúng gặp khó khăn để lắng nghe hướng dẫn từ thầy cô, từ đó thường xuyên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập.

Khó khăn bày tỏ cảm xúc: Trẻ mắc ADHD cũng thường phải đối mặt với chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm. Hệ quả tất yếu là trẻ hay gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc bằng lời hoặc những cử chỉ thông thường.

Không tập trung trong lớp: Trong cơ thể trẻ ADHD dường như có một chiếc máy hoạt động không nghỉ. Trẻ thường không thể ngồi im.Xu hướng là trẻ luôn cố gắng đứng lên và chạy xung quanh.Khi buộc phải ngồi xuống, trẻ cảm thấy rất khó chịu thường liên tục ngọ nguậy, vặn vẹo trên ghế.

Khó đợi đến lượt: Trẻ tăng động thường không có khả năng nhận biết được nhu cầu, mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời khi người khác đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt của mình trong hoạt động ở lớp hoặc khi chơi cùng với bạn.

Hay quậy phá, dễ nổi giận: Trẻ ADHD rất khó kiềm chế cảm xúc. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp.

Kết quả học tập không ổn định: Do độ tập trung kém sẽ dẫn đến việc tiếp thu chậm nên kết quả học tập ở trẻ ADHD thường không ổn định. Trẻ cũng gặp khó khăn về đọc và viết.Khoảng 20% số trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.

Nhỏ không điều trị, lớn dễ vi phạm pháp luật

BS.Đinh Thạc phân tích, hiện nay tỷ lệ trẻ được phát hiện và điều trị còn thấp xuất phát từ những ngộ nhận và hiểu biết chưa đầy đủ của cha mẹ cũng như giáo viên.Nhiều người thường suy nghĩ chứng ADHD không có thật.

Do đó, trẻ có những biểu hiện của tăng động, giảm chú ý, giảm tập trung… thường bị đổ thừa là hư, không nghe lời. Hoặc nhiều người lầm tưởng rằng trẻ bị ADHD sẽ tự hết khi lớn lên.Tuy nhiên, thực tế bệnh khởi phát từ nhỏ và tiếp diễn đến tuổi trưởng thành. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến thành bệnh mạn tính, khi lớn lên trẻ sẽ dễ mất kiểm soát, dễ phá rối, khó đạt được thành công, thậm chí dễ vi phạm pháp luật và bị kỳ thị phân biệt đối xử.

Về phát hiện và điều trị sớm cho trẻ ADHD, BS. Thạc nhấn mạnh: “Trẻ mắc bệnh chủ yếu trong độ tuổi đi học, do đó cần sự quan tâm nhiều của giáo viên, cần quan sát học tập, sinh hoạt của trẻ tại trường, nhắc nhở cha mẹ cho trẻ đi khám và điều trị sớm. Song song đó, giáo viên nên có cách dạy kiên nhẫn, quan tâm hơn đối với trẻ.Về phía gia đình cần có sự phối hợp cùng BS trong quá trình trị liệu. Cần kiên nhẫn chỉ dẫn cho trẻ, chia nhỏ công việc cho trẻ và kịp thời khuyến khích khi trẻ có hành động tốt…”.

Ngoài ra, trẻ mắc ADHD cũng cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi, cân đối các nhóm thức ăn. Đặc biệt, cần hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhiều đường, đồ uống có ga, nhiều năng lượng; tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, trái cây tươi.

Đồng thời, khi phát hiện con có năng khiếu, cha mẹ nên tạo điều kiện bồi dưỡng để trẻ phát huy năng khiếu đó, tránh áp đặt trẻ.

BS.CKI. Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Tâm lý - Tâm thần Trẻ em, BV. Tâm thần TP.HCM, cũng cho rằng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có thể có kết quả học tập kém; từ lúc trưởng thành đến khi khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tìm được việc làm, hiệu suất làm việc kém dẫn đến thu nhập tài chính thấp; cá biệt có một số trường hợp gặp rắc rối với pháp luật, nghiện bia rượu, gây rối trật tự công cộng, thường có sức khỏe thể chất và tinh thần kém cỏi, bề ngoài nhếch nhác… Do vậy ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nếu phát hiện (thậm chí nghi ngờ) các biểu hiện của hội chứng bệnh ADHD hãy kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời…

Không nên bi quan với trẻ tăng động

BS.CKII. Thái Thanh Thủy, Trưởng Khoa Tâm lý BV. Nhi Đồng 2, nhận xét trong thực tế sau khi được điều trị hợp lý, nhiều trẻ ADHD đã trở thành những tài năng xuất sắc; không nên quy chụp trẻ ADHD đều cố ý cư xử ngỗ ngược, thật ra các em đều cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn theo cách hiểu của mình…

Điều đáng quan tâm là cho đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân của rối loạn này. Những nghiên cứu gần đây cho thấy thuộc về vai trò quan trọng của gien di truyền và một số yếu tố góp phần như tổn thương não, sử dụng rượu và thuốc lá khi mang thai, sanh non, nhẹ cân… Do vậy để chẩn đoán và có hướng điều trị bệnh, cần tìm hiểu kỹ tiền sử từ ba mẹ, thầy cô và trẻ, cũng như thăm khám, kiểm tra mắt và thính lực để loại trừ một số bệnh có thể đi kèm...

Hiện nay bệnh nhân ADHD được điều trị hiệu quả tại các bệnh viện Nhi đồng và BV. Tâm thần TP.HCM với thuốc điều trị đặc hiệu; thuốc này thuộc danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế, giúp giảm chi phí đáng kể trong quá trình điều trị bệnh.

Một số sai lầm từ phụ huynh

BS. Nguyễn Lê Thục Đoan, Hội Bác sĩ Gia đình TP.HCM thông tin không ít phụ huynh hiểu sai về ADHD của con và từ hiểu sai dẫn đến nhiều hệ lụy, trước tiên là tình trạng tăng động của bé ngày một nặng hơn.

ADHD không phải là một tình trạng bệnh thật sự: Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cùng Hiệp hội Tâm thần Mỹ đều công nhận ADHD là một tình trạng bệnh. Các nghiên cứu cho thấy tăng động giảm chú ý có tính di truyền.Cứ 4 người bị ADHD, một người có bố, mẹ mắc bệnh.Các nghiên cứu trên hình ảnh cho thấy sự khác biệt về phát triển trí não giữa những đứa trẻ mắc bệnh và trẻ không mắc bệnh.

ADHD là kết quả của việc nuôi dạy con không đúng cách: Trẻ mắc bệnh thường phải vật lộn với một số hành vi nhất định. Những người không biết có thể quy kết hành vi của trẻ là thiếu kỷ luật, không được dạy dỗ tốt. Những lời nói không phù hợp hoặc liên tục không ở yên một chỗ là dấu hiệu của ADHD, chứ không phải do nuôi dạy con không đúng cách.

Trẻ mắc bệnh chỉ cần cố gắng chú ý nhiều hơn: Muốn trẻ ADHD cố gắng chú ý không phải là chuyện dễ. Đây không phải là vấn đề về động lực hay do trẻ lười biếng.Yêu cầu trẻ tập trung cũng giống như yêu cầu một người cận thị không đeo kính mà nhìn xa. Các nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về mạng lưới dây thần kinh trong não của trẻ mắc bệnh với trẻ bình thường.Mạng lưới thần kinh của trẻ bị bệnh có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển hoặc hoạt động kém hiệu quả hơn.

Trẻ bị ADHD không bao giờ tập trung được: Trẻ dễ bị phân tâm nhưng nếu rất thích làm một việc gì đó như xem tivi hoặc chơi một món đồ chơi yêu thích thì trẻ cũng có thể rất tập trung vào việc đó. Tuy nhiên, những trẻ bị bệnh cố gắng tập trung cao độ cũng không thể bằng trẻ bình thường.

Tất cả trẻ bị ADHD đều tăng động: Không phải tất cả trẻ bị bệnh đều tăng động hoặc bốc đồng. Có ba loại ADHD.Một trong số đó là ADHD dạng trội về giảm chú ý, trẻ chủ yếu gặp khó khăn trong việc chú ý và dễ bị phân tâm, không có những biểu hiện của tăng động.

Chỉ có bé trai bị ADHD: Dù các bé trai được chẩn đoán mắc bệnh cao gấp hai lần so với các bé gái, nhưng không có nghĩa là bé gái không mắc ADHD. Bé gái dễ bị bỏ qua và không được chẩn đoán bệnh.Bé gái có biểu hiện bệnh khác bé trai.Bé gái ít gặp khó khăn trong kiểm soát sự tăng động và bốc đồng so với bé trai, trẻ có vẻ mơ mộng nhiều hơn.

Bé gái bị ADHD không bao giờ tăng động: Bé gái ít gặp rắc rối với chứng tăng động hơn bé trai, nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra. Bé gái có thể quá nhạy cảm hoặc quá xúc động. Có thể nhận ra bằng cách thấy trẻ hay cắt ngang lời người khác hoặc nói chuyện nhiều hơn các bé gái khác. Nhiều người không nghĩ rằng những hành vi này là dấu hiệu của ADHD nên thường bỏ qua.

Tâm lý giáo dục là cách duy nhất để điều trị ADHD: Tăng động giảm chú ý không phải rối loạn tâm lý thông thường do tác nhân bên ngoài, nếu chỉ chẩn đoán và chữa trị tâm lý giáo dục đơn thuần không thể mang hiệu quả tối ưu. Quá trình điều trị tốt nhất cần kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu.Một số loại thuốc đặc hiệu đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc điều trị cho trẻ ADHD, hiện đã có trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán.

ADHD sẽ tự hết khi trẻ lớn lên: Có khoảng 65% trẻ ADHD vẫn tiếp tục tồn tại triệu chứng khi trưởng thành. Nếu phát hiện muộn, việc chữa trị sẽ gặp khó khăn, về lâu dài ảnh hưởng cuộc sống nghiêm trọng của trẻ, thậm chí còn sinh ra hành vi phạm tội, nghiện ngập, đua xe tốc độ...


THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn