Hà Nội

Làm gì khi trẻ “vượt qua vùng cấm”?

24-12-2015 20:27 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Khi con bạn dậy thì, bước vào tuổi vị thành niên cũng là lúc con bạn bắt đầu biết tìm hiểu, tò mò đến những việc tại sao người lớn làm được mà mình không làm được? Và sự rung động của trái tim - tình yêu bắt đầu nảy sinh trong suy nghĩ của chúng.

Khi con bạn dậy thì, bước vào tuổi vị thành niên cũng là lúc con bạn bắt đầu biết tìm hiểu, tò mò đến những việc tại sao người lớn làm được mà mình không làm được? Và sự rung động của trái tim - tình yêu bắt đầu nảy sinh trong suy nghĩ của chúng. Mà những người đang yêu lại hay... để quên lý trí và thật khó đòi hỏi trẻ suy nghĩ thấu đáo. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ và thầy cô lúc này là vô cùng quan trọng để định hướng con đi đúng đường và hướng con có những tình cảm trong sáng và lành mạnh.

Khi phát hiện con mình bắt đầu có những dấu hiệu tình cảm đặc biệt dành cho bạn khác giới,  hãy bình tĩnh, âm thầm theo dõi tình cảm ấy để tìm hiểu thật kỹ trước khi có kết luận. Đừng vội cho rằng, những dấu hiệu tình cảm ấy chứng tỏ trẻ “lớn trước tuổi”. Rất nhiều trẻ “yêu” mà chưa hiểu thế nào là “yêu” và “yêu” để làm gì. Nếu bắt gặp trẻ hôn nhau cũng đừng cho rằng đó là cử chỉ “nhục cảm”, bởi đôi khi ở tuổi học trò, nếu có biết hôn và muốn hôn cũng chỉ vì phần lớn là tò mò, muốn khám phá, muốn chứng tỏ rằng mình cũng đã lớn, đã biết yêu.

Khi suy nghĩ như trò, thầy cô sẽ lý giải được những gì trò đang nghĩ, đang làm và từ đó có được hướng hành động thích hợp. Lúc này, bạn đặt mình vào con trẻ, cùng tâm sự, chia sẻ với chúng những cảm xúc, những tình cảm thời bạn bằng tuổi chúng. Như vậy sẽ tạo cho trẻ một bầu không khí cởi mở và khích lệ chúng sẵn sàng tâm sự, sẻ chia điều thầm kín. Bạn nên nhớ rằng, trẻ con chưa ý thức được trách nhiệm về nghĩa vụ, đạo đức và hậu quả sau những gì chúng nhìn thấy khi người lớn yêu. Vì thế, người lớn cần đưa ra những lời giải thích, lời khuyên thấu tình đạt lý, phù hợp tâm lý trẻ. Bạn cần làm thế nào lái chúng theo hướng của mình trong trạng thái thoải mái.

Tuy nhiên, cũng không nên can thiệp quá thô bạo khiến trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng tới giới tính và sự học hành của trẻ. Do hiểu biết chưa nhiều về giới tính, nhiều khi trẻ có những suy nghĩ rất ngây ngô về bạn khác giới, về tình yêu và cả tình dục. Do đó, khi trẻ có những thắc mắc giới tính, cần giải thích tận tình, dễ hiểu và khoa học về những thắc mắc của trẻ. Càng giải thích cặn kẽ bao nhiêu, trẻ sẽ càng hiểu rõ tình cảm của mình bấy nhiêu, từ đó sẽ không vấp phải những điều đáng tiếc.

Tuyệt đối không chế nhạo hay phá lên cười khi học trò kể về một tình huống “nhạy cảm” nào đó của bản thân mình. Ngoài khuyên nhủ, cũng nên khuyến cáo trẻ không nên có những hành vi, thái độ có thể dẫn đến việc “vượt qua vùng cấm”. Giảng giải cho trẻ hiểu vì sao lại cấm như vậy với thái độ nghiêm túc. Điều quan trọng khi nói chuyện giới tính là giúp trẻ nhận thức được giá trị của bản thân, khi ấy trẻ sẽ thấy mình tự tin và vững vàng hơn trong cuộc sống.


BS. Trần Thu Hoa
Ý kiến của bạn