Hà Nội

Làm gì khi ngộ độc rượu?

31-10-2018 07:06 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Rượu không thể thiếu trong dịp lễ tết. Tuy nhiên, rượu cũng chính là nguồn gốc cho một số tai họa, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ngày nay, các nhà khoa học thấy rằng nếu uống một lượng rượu ít mỗi ngày 1 - 2 lon bia hay 1 ly rượu, kèm theo tập thể dục - thể thao thì có lợi cho sức khỏe. Với lượng rượu vừa như vậy, rượu sẽ có tác dụng đánh thức hoạt động của các cơ quan trong cơ thể như  não - tim - gan hoạt động tốt hơn, còn có tác dụng chống xơ mỡ động mạch. Điều cần nhớ là uống rượu phải kèm theo tập thể dục ít nhất 30 - 40 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thấy rằng ở một người được cho là uống nhiều rượu khi uống 3 lần trong một ngày, mỗi lần uống 1,5 ounce  (1 ounce = 29,6ml) rượu mạnh như Whisky, 5 ounce cho rượu vang hay 3 lon bia ngày. Nếu có nhu cầu sử dụng chỉ nên uống 1/2 ounce đối với nữ và 1 ounce đối với nam; khi uống một lượng rượu nhiều trong một thời gian ngắn, nồng độ rượu lên quá cao thì dẫn đến ngộ độc rượu, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong, không khuyến cáo chúng ta uống rượu nếu chúng ta đã chưa từng uống rượu, vì nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

lam_gi_khi_ngo_doc_ruou

Rượu làm cho tim đập nhanh hơn nên có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim...

Tác hại của rượu lên cơ thể

Tác hại trên hệ tim mạch: sức chịu đựng của hệ tim mạch trên tác hại của rượu kém hơn hệ thần kinh, càng lớn tuổi sức chịu đựng càng kém. Tác hại của rượu quả là làm cho tim đập nhanh hơn, do tim làm việc quá nhiều do kích thích của rượu, nên có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim, nặng hơn là suy tim, cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng. Ở bệnh nhân cao huyết áp, khi uống rượu huyết áp sẽ tăng cao hơn, rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nặng hơn là hôn mê và tử vong.

Tác hại trên hệ tiêu hóa: tình trạng viêm dạ dày thường gặp sau khi uống rượu mạnh lúc bụng đói. Viêm dạ dày cấp do rượu có biểu hiện là đau bụng  và nôn ói dữ dội, nặng hơn là chảy máu dạ dày. Tác hại trên gan là tình trạng viêm gan cấp cũng thường xảy ra sau khi uống rượu, hoặc nghiện rượu lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan. Tác hại trên tụy, rượu là yếu tố khởi phát viêm tụy cấp, viêm tụy cấp thường khởi phát sau bữa tiệc thịnh soạn uống nhiều rượu. Đặc biệt là uống rượu mạnh, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội, lói ra sau lưng, kèm theo nôn ói, đây là thể bệnh rất nặng, rất dễ đưa đến tử vong.

Tác hại của rượu trên sinh hoạt tình dục: rượu làm giảm khả năng tình dục, do quá trình ức chế ở não, làm giảm cương cứng dương vật, giảm cảm giác lúc giao hợp; người nghiện rượu lâu ngày, thường dẫn đến giảm khả năng tình dục ngay cả lúc say mà cả lúc không uống rượu.

Sử dụng vitamin B1 rất cần thiết cho bệnh nhân ngộ độc rượu

Xử trí ngộ độc rượu cấp

Để xác định một trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, năm 1987, Hội Tâm thần Mỹ đã đưa ra 4 tiêu chuẩn:

1. Ở người vừa uống rượu xong, có mùi rượu.

2. Thay đổi hành vi như tính tình không ổn định, suy giảm khả năng phán đoán, giảm khả năng chuyên môn, ức chế tình dục, có thái độ hung hăng thù địch.

3. Có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: nói lắp, mất đồng vận, đi loạng choạng, lay tròng mắt, đỏ bừng mặt.

4. Không có bất kỳ một thực thể, tâm thần nào khác.

Xử trí ngộ độc rượu cấp:

Vitamin B1: sử dụng vitamin B1 rất cần thiết cho bệnh nhân ngộ độc rượu, và được sử dụng trước khi truyền glucose, vì vitamin B1 là Cofactor của chuyển hóa qua lại của Pyruvate (Pyruvic axít) và glucose. Vitamin B1 tham gia trong chu trình Krebs. Do đó nếu dùng truyền dung dịch đường glucose trong tình trạng thiếu vitamin B1 (do tăng sử dụng trong phản ứng oxy hóa khử của rượu) thì sẽ đưa đến tăng Pyruvat cả trong máu và trong não và Pyruvate sẽ gây độc cho não. Chu trình krebs không hoạt động được khi thiếu vitamin B1. Liều thường dùng 250 - 1.000mg bằng đường uống hay tiêm bắp.

Giảm độc tố của rượu, nhẹ thì uống các loại đường glucide, nặng thì truyền tĩnh mạch bằng dung dịch glucose 5 - 10%.

Vitamin B6 giúp tỉnh rượu nhanh hơn với liều thường dùng 250 - 500mg, uống hoặc tiêm bắp

Nếu nặng dùng naloxone giúp tỉnh rượu nhanh hơn, đặc biệt là trên bệnh nhân ngộ độc rượu Ethylic cấp tính nguyên chất, liều thường dùng 0,4 - 1,2mg (1 - 3 ống), tiêm tĩnh mạch, mỗi ống 0,4mg, có thể dùng 1 - 2 lần, cách nhau khoảng 5 phút.


BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn