Làm thế nào để nhận biết thực phẩm nào gây dị ứng? Nếu bị dị ứng thực phẩm, cần phải xử trí thế nào, thưa bác sĩ?
Hoàng Việt Hải (Thanh Hóa)
Nghiên cứu cho thấy, có đến 2% người lớn và 3-8% trẻ em có biểu hiện dị ứng với một số thực phẩm khi ăn vào. Biểu hiện sau khi ăn vào có thể làm nổi mày đay, tiêu chảy, khó thở... thậm chí gây choáng phản vệ hoặc tử vong nếu không kịp thời cứu chữa. Ngoài ra, phản ứng dị ứng có thể gây các bệnh mạn tính như viêm thanh quản, viêm ruột, chàm, hen phế quản, thấp khớp, đau nửa đầu, viêm tai giữa... Khi thấy có các triệu chứng trên, các bạn cần: Ngừng ăn loại thực phẩm bạn nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi xem các triệu chứng của bệnh có thuyên giảm không. Nếu các triệu chứng thuyên giảm, hãy làm thử nghiệm kiểm tra bằng cách ăn nhiều hơn một loại thực phẩm mà bạn đã loại đi, ví dụ: nếu là bột mì, ăn bánh mì, mì ăn liền, mì ống... nếu triệu chứng của bệnh dị ứng xuất hiện, thực phẩm đó được coi là tác nhân gây dị ứng. Nếu bạn đã có phản ứng cấp tính hoặc dị ứng với lạc và tôm, tuyệt đối không được làm thử nghiệm kiểm tra này vì bạn có nguy cơ bị choáng phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng. Tiếp tục kiểm tra với các thực phẩm nghi ngờ khác. Khi phát hiện chính xác thực phẩm hay thành phần của thực phẩm gây dị ứng, hãy ngừng ăn thực phẩm này cũng như các chế phẩm của nó. Khi bị dị ứng nhẹ, cơ thể có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc. Nếu có biểu hiện nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị. Với người có tiền sử dị ứng thực phẩm, cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, xem kỹ thành phần thực phẩm và các chất phụ gia được ghi trên nhãn mác trước khi mua và cũng cần mang theo thuốc chống dị ứng để có thể điều trị kịp thời.
BS. Vũ Thu Dung