Bệnh nhân là nam thanh niên, đau tới mức mặt mũi thất sắc, tái nhợt. Bệnh nhân than thở với bác sĩ: Ôi, đau như bị dao đâm, nằm ngồi kiểu gì cũng đau! Người bệnh toát mồ hôi vì đau, có kèm theo nôn. Vì cơn đau kịch liệt nên gia đình vội đưa bệnh nhân tới khám cấp cứu. Đó là một trường hợp đau quặn thận điển hình. Đau quặn thận có nhiều nguyên nhân và cần được phân loại, xử lý cấp cứu.
Hình ảnh sỏi thận trong cơn đau quặn thận.
Biểu hiện của đau quặn thận
Đau quặn thận thường bắt đầu một cách đột ngột, có thể sau một hoạt động gắng sức nào đó. Cơn đau thường từ một bên hông, sau đó lan ra phía trước, dưới hạ sườn. Cơn đau kéo dài xuống tới vùng sinh dục ngoài như bìu của nam giới hoặc môi lớn của nữ. Cũng có khi cơn đau được báo trước bởi triệu chứng đau ngang thắt lưng, đái khó hoặc đái ra máu. Khi đau quặn thận, người bệnh có cảm giác đau như ai bóp chặt vùng đau, như bị dao đâm xoáy vào chỗ đau, đau toát mồ hôi. Người bệnh tiểu khó, có thể không đi tiểu được dù buồn tiểu hoặc đi được thì cảm giác rất khó chịu, nước tiểu lợn cợn, có màu hồng. Bệnh nhân buồn nôn, có thể nôn hoặc không, nôn xong thường cảm giác đỡ đau. Người bệnh có thể sốt nhẹ hơn 37 độ, đến sốt cao trên 38,50C kèm theo nôn nhiều không kiểm soát được. Cơn đau từ 20 phút kéo dài đến nhiều giờ khiến bệnh nhân lo lắng đến thất sắc, mặt mũi tái nhợt, vã mồ hôi. Khi khám thấy mạch nhanh. Tuy nhiên, trên đây là các dấu hiệu điển hình của mọt cơn đau quặn thận. Cũng có trường hợp, đau quặn thận không lan xuống dưới mà lan lên trên dù ít gặp. Có trường hợp cơn đau ngắn, nhẹ ở mức độ bệnh nhân có thể chịu đựng nên đau kéo dài tới vài ngày mới tới bệnh viện.
Cần tránh nhầm lẫn với các loại đau do bệnh khác
Đau quặn thận có thể nhầm lẫn với các cơn đau cấp tính khác như:
Đau ruột thừa: người bệnh cũng sốt, đau hố chậu phải.
Đau quặn gan: đau vùng hạ sườn phải, đau hướng lên vai, có sốt khi đau.
Đau dạ dày cấp, đau do loét dạ dày: những cơn đau này thường ở vùng thượng vị. Dù rất đau nhưng sau cơn đau bệnh nhân lại thấy bình thường.
Đau do tắc ruột: đau bụng, nôn kèm bí đại tiện, trung tiện.
Tóm lại, đau quặn thận là một trường hợp cần cấp cứu tại bệnh viện. Để xác định bệnh, tránh nhầm lẫn với bệnh khác, cần làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tại cơ sở y tế. Xét nghiệm nước tiểu có thể thấy hồng niệu cầu. Đa số các trường hợp đau quặn thận là do sỏi thận, số ít là do lao thận hoặc ung thư thận. Vì thế, siêu âm ổ bụng có thể xác định nguyên nhân. Nếu do sỏi thận, siêu âm sẽ cho thấy hình sỏi cản âm, đài bể thận giãn, giãn niệu quản. Cũng có trường hợp không thấy sỏi, chỉ thấy giãn đài bể thận do sỏi nhỏ hoặc vị trí sỏi nằm thấp dưới niệu quản hoặc sát thành bàng quang. Xquang cũng cho hình ảnh sỏi thận.
Điều trị nguyên nhân gây tắc nghẽn
Đau quặn thận cần được thầy thuốc khám và xác định, cho hướng điều trị. Điều trị cơn đau quặn thận chủ yếu là giảm đau, giải phóng đường tiết niệu bị tắc nghẽn (tắc nghẽn có thể do sỏi thận, do cục máu đông, mủ). Bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng viêm, giảm phù nề, chống co thắt, giãn cơ, thuốc kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Trong một số trường hợp, đau do sỏi thận nhưng sỏi kích thước nhỏ, người bệnh không đau nhiều, đáp ứng tốt với thuốc giảm đau có thể điều trị tại nhà theo đơn của thầy thuốc. Để loại bỏ sỏi, hiện nay có nhiều phương pháp để loại bỏ sỏi thận ngoài điều trị nội khoa. Như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung, phá vỡ sỏi thành hạt nhỏ để có thể dễ dàng thải ra ngoài qua nước tiểu. Thủ thuật tán sỏi qua da cũng thường được áp dụng. Thủ thuật này được dùng khi sỏi đã khá lớn hoặc nằm ở vị trí mà áp dụng phương pháp tán sỏi bằng sóng xung không hiệu quả. Một đặc điểm của tán sỏi qua da là có thể loại bỏ một số mảnh sỏi trực tiếp thay vì chờ đào thải tự nhiên qua đường tiểu. Ngoài ra còn có phương pháp tán sỏi qua nội soi niệu quản nhưng ít dùng hơn. Nếu sỏi lớn hoặc tán sỏi thất bại có thể mổ nội soi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa sỏi thận cần uống nhiều nước. Nhất là những người làm công việc bận rộn, dân văn phòng, nghiên cứu viên ngồi nhiều, dễ quên uống nước. Nên nhớ, một ngày cần uống ít nhất 2 lít nước, năng vận động, thường xuyên đứng lên khỏi chỗ ngồi khi làm việc. Khám và xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm sỏi thận. Nếu đã có sỏi nên thực hiện chế độ ăn uống phù hợp để tránh tạo thêm sỏi hoặc làm sỏi phát triển. Xét nghiệm để xác định bản chất của sỏi. Nếu là sỏi calcium, cần thực hiện chế độ ăn nhạt, tránh ăn nhiều thịt. Nếu là sỏi urat, nên giảm lượng axit uric trong máu bằng thuốc. Nếu đã có sỏi hoặc đã có tiền sử đau quặn thận, người bệnh nên thường xuyên được theo dõi sức khỏe để có hướng điều trị sớm, hợp lý tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
BSCKII. Nguyễn Thông Tuyết