Làm gì khi bị viêm ruột thừa?

27-12-2023 19:05 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm ruột thừa có thể gặp với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào mà không báo trước. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến những mối nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa bao lâu?

Ruột thừa là một phần thuộc hệ tiêu hóa của con người, bình thường nằm ở đáy manh tràng, gần chỗ tiếp nối giữa ruột non và đại tràng bên phải. Viêm ruột thừa cấp là tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa. Sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa (sỏi phân, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc manh tràng) có thể là nguyên nhân gây viêm.

Lượng vi khuẩn nhân lên nhanh chóng do tắc nghẽn khiến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, ruột thừa có thể bị vỡ, tràn mủ vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp khác, viêm ruột thừa có thể bị giới hạn lại bởi các cơ quan lân cận và hình thành các ổ áp xe.

Khi mắc người bệnh có biểu hiện đau bụng. Cơn đau khởi phát ở vùng quanh rốn hoặc trên rốn. Thường đau âm ỉ liên tục, ít khi dữ dội hay đau thành cơn. Cơn đau có xu hướng tiến triển nặng trong vòng 24 giờ.

Sau 2-12 giờ, đau di chuyển xuống vùng hố chậu phải (trên bẹn) và tăng dần về cường độ đau. Kiểu đau di chuyển điển hình này là triệu chứng đáng tin cậy nhất của viêm ruột thừa cấp.

Làm gì khi bị viêm ruột thừa?- Ảnh 1.

Khi có biểu hiện đau bụng cần tới cơ sở y tế để được thăm khám.

Tùy vào cơ địa của bệnh nhân, tùy vào vị trí của ruột thừa và nên vị trí và tính chất của cơn đau có thể khác biệt ở mỗi người.

Người bệnh thường sốt nhẹ, khoảng 37,5 - 38 độ C. Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng khác như: Chán ăn/ăn không ngon, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, hiếm khi có táo bón.

Việc xử trí muộn viêm ruột thừa thông thường do định hướng chẩn đoán sai, lạm dụng chẩn đoán hình ảnh, thậm chí từ sự chủ quan của người bệnh hoặc nhân viên y tế.

Do tính chất đau bụng ban đầu người bệnh sẽ đau vùng thượng vị sau đó lan xuống hố chậu trái rồi khu trú tại hố chậu phải (điểm McBurney) nên có thể giống với bệnh lý khác nên định hướng chẩn đoán lâm sàng ban đầu rất quan trọng đối với điều trị viêm ruột thừa.

Làm gì khi bị viêm ruột thừa?- Ảnh 2.

Siêu âm bụng là phương tiện an toàn để chẩn đoán viêm ruột thừa.

Cần làm gì khi bị viêm ruột thừa?

Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh nên nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng can thiệp sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Các trường hợp không được điều trị kịp thời có thể xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng. 

Khi điều trị viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, để từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi người bệnh. Có thể phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi.

Thường thì phương pháp mổ nội soi được ưu tiên thực hiện bởi thời gian phục hồi nhanh, ít đau, để lại sẹo nhỏ. Phẫu thuật nội soi cũng là lựa chọn điều trị phù hợp hơn với người lớn tuổi và người béo phì. Tuy nhiên, nếu ruột thừa đã vỡ, nhiễm trùng lan rộng hay xuất hiện áp xe, tùy bác sĩ đánh giá có thể được đánh giá xem xét mổ nội soi được hay không.

Tóm lại: Viêm ruột thừa là vấn đề thường gặp và là một cấp cứu ngoại khoa. Diễn biến của bệnh viêm ruột thừa là rất nhanh chóng, bệnh nhân cần đến bệnh viện cấp cứu điều trị ngay trước 24 - 48 giờ kể từ khi cơn đau đầu tiên xuất hiện. Khi viêm ruột thừa biến chứng, điều trị sẽ khó khăn hơn và tính mạng của bệnh nhân cũng bị đe dọa.

Mới đây, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong cùng một ngày đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp vào viện với chẩn đoán viêm phúc mạc ổ bụng do viêm ruột thừa vỡ nhập viện muộn. Trên thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lý sợ đi bệnh viện hoặc ở trẻ em quá lo lắng trong thi cử nên cố chịu đau dẫn tới đến khám muộn.

Nhiều bậc phụ huynh chủ quan thấy con mình đau bụng nhưng nghĩ là rối loạn tiêu hóa nên tự theo dõi hoặc mua thuốc uống ở nhà. Một số trường hợp cho con đến khám ở những cơ sở y tế không chuyên khoa nên không phát hiện ra bệnh.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn Phú Thọ đã tiếp nhận người bệnh 55 tuổi, ở Ngọc Đồng, Yên Lập vào viện vì đau bụng ngày thứ 3, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, đại tiện phân nát. Trước đó, người bệnh đã tự ý mua thuốc, men tiêu hóa uống nhưng không đỡ nên xin vào viện điều trị.

‎Sau khi nhập viện, người bệnh được bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc ruột thừa và chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Vào trong ổ bụng, quan sát thấy có nhiều dịch mủ màu trắng, các quai ruột nề đỏ, nhiều giả mạc, ruột thừa hoại tử đã vỡ. Các bác sĩ đã tiến hành cắt ruột thừa, lau rửa ổ bụng, đặt sonde dẫn lưu và dùng kháng sinh điều trị. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định và được chăm sóc theo dõi thêm.


BS Phạm Đức Minh
Ý kiến của bạn