Theo bác sĩ, vào mùa mưa, độ ẩm cao, tại các khu vực như cánh đồng, vườn nhà, công trình đang xây dựng là nơi kiến ba khoang thường tập trung, sinh sôi mạnh. Chúng thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn, xâm nhập vào nhà sau đó đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Quá trình sinh hoạt, người dân vô tình tiếp xúc, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang nhả ra gây nên viêm, loét da.
Video: Bác sĩ khuyến cáo cách phòng ngừa, xử trí khi tiếp xúc với kiến ba khoang
Anh H.N.P. (trú phường Hương An, TP Huế) cho biết, khoảng 2 ngày trước, con gái anh là cháu H.N.K.A. (5 tuổi) xuất hiện rát đỏ tại vùng da ở má phải, sát với mắt và xuất hiện mụn mủ.
Nghi ngờ con gái trong khi ngủ vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang, anh P. ra quầy thuốc gần nhà mua thuốc về bôi. Tuy nhiên, 2 ngày sau vẫn không có dấu hiệu giảm, cháu A. có biểu hiện sốt, lo lắng, anh P. đã đưa con tới Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế để khám.
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, tiến hành làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu A. bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang và yêu cầu gia đình làm thủ tục nhập viện điều trị.
Một trường hợp khác là anh N.Đ.Q. (trú phường An Tây, TP Huế) đang chăm con điều trị tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, con trai anh xuất hiện đám da nổi đỏ ở cánh tay phải nhiều ngày nhưng không giảm, sau đó lan rộng lên vùng vai và cổ.
"Chiều thứ 2 tuần trước thấy con xuất hiện vết thương ở cánh tay, hỏi thì cháu nói bị con gì cắn. Ban đầu, cháu chỉ bị đỏ vùng nhỏ, cảm giác đau rát nên tôi có dùng nước muối để rửa và bôi dầu, nhưng sau đó vết thương càng lan rộng. Tôi có ra quầy thuốc mua thuốc về bôi cho con nhưng cũng không có dấu hiệu giảm nên phải đưa tới Bệnh viện để khám cho an tâm", anh Q. nói.
Theo anh Q., các bác sĩ nói cháu bị viêm loét da do tiếp xúc kiến ba khoang do điều trị không đúng cách. "Sau gần một tuần điều trị, ngày mai cháu được ra viện. Hiện vết thương đã cơ bản ổn định. Nhà tôi ở sát ruộng có thể là điều kiện khiến kiến ba khoang dễ xâm nhập. Đợt này về tôi sẽ lưu ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên", anh Q. nói.
Theo ghi nhận, tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 7 tới nay ghi nhận hơn 200 bệnh nhân thuộc nhiều lứa tuổi tới khám và điều trị do tiếp xúc với kiến ba khoang. Chỉ riêng từ tháng 10 đến đầu tháng 11 ghi nhận hơn 100 trường hợp. Nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị sau quá trình tự mua thuốc điều trị ở nhà sai cách gây viêm loét nặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, Bác sĩ CKI Nguyễn Đắc Hanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kiến ba khoang là loại bọ cánh cứng, bò nhanh, xuất hiện vào mùa mưa, tập trung ở khu vực ẩm thấp với đặc điểm thích ánh sáng, xâm nhập vào nhà khi người dân bật điện.
"Khi kiến ba khoang vương vào cơ thể, theo phản xạ, người dân thường đập hoặc chà xát, lúc này kiến ba khoang tiết ra dịch gây nên tình trạng viêm da, loét da. Ban đầu da đỏ rộp, trong khoảng thời gian 6-12h đồng hồ, người sẽ có cảm giác ngứa rát và lan rộng. Thậm chí có mụn nước hoặc kèm theo đau rát và sốt", BS.CKI Nguyễn Đắc Hanh nói
Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Đắc Hanh, nhiều người nhầm viêm da do kiến ba khoang với Zona, vì vậy tự ý mua thuốc về bôi khiến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn. Không những vậy, tại bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng vết thương nhiễm trùng, lan rộng do tự điều trị theo phương pháp dân gian như tự đắp các loại lá cây.
"Viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang nếu xử lý ban đầu không đúng cách sẽ khiến lan rộng vết thương, dễ để lại sẹo, về sau gây mất thẩm mỹ. Do đó, nên điều trị càng sớm càng tốt, bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày. Trường hợp sốt cao, nổi hạch, da có dấu hiệu nhiễm trùng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để được thăm khám và điều trị, không nên tự ý điều trị ở nhà" Bác sĩ Hanh khuyến cáo.