Làm gì khi bị thủy đậu?

25-10-2017 10:40 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Con em 6 tuổi, đang bị thủy đậu. Hiện tại mọc các mụn nước lác đác ở da đầu, cổ và cánh tay chưa nốt nào vỡ.

Xin hỏi bác sĩ cách điều trị và kiêng cữ cho cháu thế nào? Người lớn có cần tiêm vắc-xin thủy đậu?

Phạm Thành Vinh(phamvinh@gmail.com)

Thủy đậu là bệnh gây tổn thương phỏng nước ở da do virut gây ra. Nếu bệnh nhẹ có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Quan trọng nhất là làm sạch da và vệ sinh thân thể: tắm rửa bằng các dung dịch sát khuẩn, thay quần áo nhiều lần trong ngày, cắt ngắn và vệ sinh móng tay, tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ. Nếu nốt đậu mọc nhiều, cần đưa trẻ đi khám để được kê đơn thuốc phù hợp, tránh biến chứng. Nên biết, ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt ở những bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Do vậy, bác sĩ thường kê đơn cho dùng thuốc kháng histamin như: chlopheniramin, loratadine...; tại chỗ dùng thuốc như xanh methylen, milian... vừa có tác dụng sát khuẩn vừa làm săn se nốt đậu và chống ngứa. Khi bệnh nhân đau và sốt cao, có thể cho dùng hạ sốt thông thường như paracetamol, chú ý không dùng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm. Trường hợp của bé, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc da liễu để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp. Chú ý hằng ngày cần tắm gội cho bé để tránh ngứa gãi gây vỡ mụn sẽ dễ bội nhiễm; Về ăn uống chỉ cần chú ý tránh những thức ăn mà bé hay dị ứng; Cho bé nghỉ học để tránh lây lan sang các bạn khác. Để phòng bệnh thuỷ đậu các trẻ từ 2 tuổi và cả người lớn chưa mắc bệnh bao giờ cần tiêm vắc-xin phòng bệnh.

BS. Vũ Lan Anh


Ý kiến của bạn