Nghi nhiễm HIV có phải là chuyện lạ?
Trên thực tế, từ năm 1999, BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã bắt đầu điều trị phơi nhiễm HIV và cũng từ thời điểm đó, lượng người đến tư vấn và điều trị là không ít. Mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn ca cấp cứu điều trị phơi nhiễm HIV trong các tình huống khác nhau. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, bệnh viện tiếp nhận điều trị phơi nhiễm 968 trường hợp, trong đó 302 phơi nhiễm do tai nạn nghề nghiệp; 261 phơi nhiễm do đạp kim tiêm, tiếp xúc với máu và dịch tiết.
Bạn tình cờ bị kim tiêm đâm vào tay chân khi đi dã ngoại, kim tiêm dưới ghế nệm công cộng, kim tiêm dính máu trong công viên hoặc vật sắc nhọn khi bị tấn công trên đường phố gây ra những vết thương... Rất nhiều người bị nạn hoang mang, lo lắng không biết phải xử lý thế nào, liệu mình có nguy cơ bị nhiễm HIV không?
Khi bị kim, vật sắc nhọn đâm nghi dính máu, người ấy xem như trong tình trạng phơi nhiễm HIV, nghĩa là có khả năng bị nhiễm HIV. Việc xử trí ban đầu là rất quan trọng và điều trị dự phòng phơi nhiễm cần tiến hành càng sớm càng tốt.
Làm gì với vết thương tại chỗ?
Thông thường khi bị đâm bởi vật nhọn nghi có dính máu của người nhiễm HIV, các nạn nhân có tâm lý sợ hãi nên cố gắng nặn máu ra càng nhiều càng tốt. Cách xử trí này hoàn toàn sai, việc nắn bóp vết đâm vô tình tạo ra thêm những tổn thương viêm, làm tăng khả năng virus xâm nhập vào cơ thể.
Cần bình tĩnh xử lý theo những bước sau:
1. Nhanh chóng lấy các dụng cụ sắc nhọn gây tổn thương, chảy máu ra khỏi cơ thể (nếu có).
2. Rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Tránh cầm máu hoặc bịt chặt vết thương ngay mà để vết thương tự chảy trong thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương.
3. Sau đó, rửa kỹ lại vết thương bằng xà phòng và nước sạch.
Nguy cơ lây nhiễm của vết thương ra sao?
Khi đến cơ sở y tế, người bệnh sẽ được đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu ở da có tổn thương nông, không chảy máu hoặc chảy máu ít; hoặc máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào vùng niêm mạc không bị tổn thương viêm loét, nguy cơ lây nhiễm thấp.
Từ ngày 23/3 đến đầu tháng 4, BV. Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM tiếp nhận 10 người dân đến để được tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do bị một kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công gây những vết thương trên người, ở tay, lưng… Đặc biệt, có ngày tới 5 người dân bị kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công phải đến BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để được tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV.
Được biết, các vụ việc đều xảy ra trên địa bàn Quận 5, TP.HCM.
Theo các bác sĩ, tất cả đã được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV và đến nay chưa có trường hợp nào nhiễm HIV nên người dân không nên quá lo lắng, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã gửi công văn cho Sở Y tế TP.HCM, Công an TP.HCM để thông tin về việc tiếp nhận 10 người dân đến tư vấn và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV do kẻ lạ mặt dùng vật sắc nhọn tấn công.
Đối tượng dùng vật sắc nhọn gây thương tích cho nhiều người hiện đã được triệu tập lên công an Quận 5 để điều tra làm rõ. Hiện công an Quận 5 đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
THIÊN CHƯƠNG
Riêng trường hợp da có tổn thương sâu, rộng, chảy nhiều máu, máu và chất dịch cơ thể của người có HIV bắn vào các vùng da, niêm mạc bị tổn thương viêm loét rộng có sẵn, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cần làm xét nghiệm gì?
Trước hết là xét nghiệm máu để kiểm tra xem người bị nạn đã có nhiễm HIV chưa. Có thể bắt đầu điều trị ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính tức người bị nạn đã nhiễm HIV từ trước, phải dừng điều trị phơi nhiễm ngay.
Ngoài ra một số xét nghiệm cần thiết cho việc theo dõi điều trị như huyết đồ, chức năng gan, chức năng thận cũng được làm.
Điều trị phơi nhiễm HIV khi nào?
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV hiệu quả bảo vệ rất cao. Hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi bị đâm. Do vậy, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị càng sớm càng tốt, không nên trễ quá thời gian cho phép là 72 giờ.
Hiện nay, các cơ sở y tế có điều trị phơi nhiễm sau bị nạn bao gồm:
- Bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm như Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Các phòng khám ngoại trú HIV
- Các bệnh viện có chuyên khoa Nhiễm.
Thời gian điều trị dự phòng phơi nhiễm phải kéo dài liên tục trong 28 ngày. Thuốc điều trị là thuốc uống, sử dụng phối hợp 3 loại thuốc kháng siêu vi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cần lưu ý gì khi điều trị phơi nhiễm HIV?
- Điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ đã được tập huấn về chăm sóc và điều trị HIV. Người phơi nhiễm không nên tự ý mua thuốc theo sự mách bảo trên mạng để dùng. Thuốc kháng virus còn có thể gây ra một số tác dụng phụ trong những ngày đầu, sau đó cơ thể sẽ quen dần, Vì vậy, người được điều trị phơi nhiễm không được tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Người bị nạn được tư vấn về: nguy cơ nhiễm HIV, lợi ích điều trị phơi nhiễm, tác dụng phụ của thuốc, tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người khác, tư vấn tuân thủ điều trị và hỗ trợ tâm lý.
- Xét nghiệm HIV lại sau 3 tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm hoặc có yếu tố nguy cơ. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, có thể yên tâm rằng không bị lây nhiễm HIV trong tình huống bị nạn đó.
- Người bị nạn khi điều trị thường hay lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh hay uống thuốc có bị tác dung phụ hay không. Vì vậy lời khuyên là cần giữ liên lạc với cơ sở y tế để được tư vấn hỗ trợ khi cần thiết.
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV mà chúng ta quen gọi là PrEP (xuất phát từ cụm từ tiếng Anh - Pre-Exposure Prophylaxis) là một chiến lược mới điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV (HIV âm tính), biện pháp này có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm tới 90%. PrEP được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzym) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus là Tenofovir Disoproxil Fumarate 300mg và Emtricitabine 200mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên.
Ai có thể dùng PrEP?
PrEP được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng nguy cơ cao sau:
- Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
- Người chuyển giới nữ (TGW).
- Phụ nữ bán dâm.
- Các cặp dị nhiễm tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml. Tốt nhất là xét nghiệm theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV <200 bản sao/ml không cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV.
Tại sao nên dùng PrEP?
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng PrEP rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV. Trên thực tế chưa có trường hợp MSM nào trên thế giới bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra nếu MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc nếu họ không sử dụng nó đều đặn theo hướng dẫn sử dụng của các bác sĩ.
Theo kết quả của nghiên cứu iPrEx, trong đó 2.499 MSM và TGW đã tham gia. Những người sử dụng PrEP hàng ngày đạt được tỉ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%. PrEP được dung nạp tốt, hiếm khi phải ngừng thuốc do tác dụng phụ được kiểm chứng trong một thử nghiệm lâm sàng iPrEx với nhóm 2.499 MSM tham gia. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu ghi nhận có giảm chức năng thận và giảm mật độ xương ở những người dùng.
PrEP sử dụng như nào?
PrEP uống hàng ngày đã chứng minh hiệu lực >95% với nhóm MSM trong một sổ thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của vài nghìn người. Hiện nay hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến cáo sử dụng PrEP hàng ngày như một chương trình dự phòng tổng hợp cho những nhóm nguy cơ cao.
Lưu ý gì khi sử dụng PrEP?
- PrEP chỉ là một phần trong chiến lược dự phòng tổng thể HIV;
- PrEP cần có thời gian để đạt được hiệu quả bảo vệ tối đa vì vậy cần sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục:
PrEP sẽ đạt hiệu quả bảo vệ tối đa sau 7 liều dùng đối với nhóm MSM
PrEP sẽ đạt hiệu quả bảo vệ tối đa sau 12 liều dùng đối với nhóm phụ nữ
PrEP không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác ngoài HIV, vì vậy vẫn cần sử dụng bao cao su và chất bôi trơn trong các lần quan hệ tình dục.
- PrEP nên uống hàng ngày và theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Phản ứng phụ khi dùng PrEP đó là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt nhẹ và sẽ hết trong 1 - 2 tuần. Nếu kéo dài, nên gọi điện hoặc đến gặp bác sĩ ngay để được khám và tư vấn.