Hà Nội

Làm gì khi bị rắn cắn để tránh tử vong?

27-08-2019 15:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ghi nhận tại các cơ sở y tế, cứ vào mỗi mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng.

Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.

Bị rắn cạp nia cắn làm liệt cơ hô hấp suýt chết

Một bệnh nhân 50 tuổi ở Quảng Ninh bị rắn cắn vào tay, nhanh chóng liệt cơ hô hấp, liệt cánh tay phải. Theo lời kể của người nhà, ngày 12/7, người này đi bắt rắn, bị rắn cạp nia cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, sơ cứu bằng cách rửa và bôi thuốc tự chế. Sau đó, ngón tay ngày càng đau nhức, sưng to, gia đình đưa anh đến bệnh viện để được cấp cứu.

Theo các bác sĩ, rất may mắn người bệnh đã sơ cứu bằng cách rửa sạch, phần nào loại bỏ bớt nọc độc rắn nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ngay khi nhập viện, người bệnh diễn biến nhanh và xấu dần như liệt cơ hô hấp, liệt cánh tay phải. Các bác sĩ tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, giúp anh qua cơn nguy kịch.

Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn.

Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn.

Nhận biết rắn độc và rắn không độc

Có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào các đặc điểm đặc trưng bên ngoài của rắn: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng), rắn cạp nong (thân mình khúc vàng khúc đen), rắn cạp nia (thân mình khúc trắng khúc đen), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác).

Rắn độc thường có 2 răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng có thể giúp phân biệt rắn độc. Răng độc đóng vai trò như một kim tiêm dưới da hoặc tiêm vào bắp thịt. Một số loại rắn hổ mang mặc dù ở cách nạn nhân một khoảng cách vẫn có thể phun nọc độc về phía nạn nhân và gây tổn thương mắt, có thể từ đó gây nhiễm độc toàn thân.

Các bước sơ cứu nên làm

Người bên cạnh nên động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng. Tuyệt đối không để bệnh nhân tự đi lại (vì vận động nhiều sẽ làm nọc độc di chuyển vào cơ thể nhanh hơn. Bất động chân, tay bị cắn (có thể bằng nẹp). Để bộ phận có vết cắn ở vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn vị trí của tim; cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

Nếu rắn hổ cắn có thể gây liệt (hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn biển, rắn hổ mang thường) thì áp dụng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện vận chuyển, nên gọi điện báo trước để được tư vấn.

Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Tuyệt đối không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc. Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện. Không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch. Không làm các biện pháp khác như: chườm đá, gây điện giật...

Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn: Dùng băng rộng khoảng 5-10cm, dài vài mét, có thể băng chun, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Cởi đồ trang sức ở vùng bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo.

Vết cắn ở bàn, ngón tay, cẳng tay: Băng ép bàn, ngón tay, cẳng tay. Dùng nẹp cố định cẳng bàn tay. Dùng khăn hoặc dây treo lên cổ bệnh nhân.

Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc có thuốc giải độc (bác sĩ quyết định thời điểm tháo băng ép).

Vết cắn ở thân mình: Ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động thành ngực. Không băng ép khi rắn lục cắn: rắn choàm quạp, lục xanh, khô mộc.

Vận chuyển: Duy trì biện pháp băng ép và bất động, khẩn trương vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là bằng ôtô. Trong khi vận chuyển nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Nạn nhân không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên vì đường xa và có thể xảy ra nguy hiểm trên đường đi mà không được hỗ trợ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh rắn cắn, người dân nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn. Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa rắn. Cần cảnh giác đặc biệt rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm.

Đề phòng rắn biển cắn, tránh động vào rắn biển, tránh bắt rắn trong lưới và trên đường đi. Có  thể có nguy cơ rắn biển cắn khi bơi lội, giặt quần áo nơi nước đầm thủy triều, cửa sông, bãi biển...

Phải chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khi đi rừng núi, đồng ruộng, nương rẫy: Đi ủng hoặc giày cao cổ. Mặc quần áo vải dày, đội mũ rộng vành. Phải có gậy khua rắn. Nếu đi đêm phải có đuốc hoặc đèn pin. Phải biết cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn. Thợ bắt rắn phải dùng kẹp để bắt.

Trong rừng không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà chưa quan sát được. Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối. Không nên lật tảng đá, đống gạch, đống củi hay thân cây đổ bằng tay trần (nếu cần phải dùng gậy hay chân có đi giày). Thận trọng khi phải kiểm tra chuồng gà, ổ gà vào ban đêm. Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm. Không đi chân không vào rừng, nương, rẫy (nhất là vào ban đêm). Không trêu chọc rắn độc...

Không nên sờ vào miệng rắn, ngay cả khi rắn đã chết, đã chặt đầu hoặc giả vờ chết (một số rắn giả chết để tránh bị tấn công). Không nên ngủ dưới đất vì rắn hay lui tới những chỗ ấm. Thường xuyên kiểm tra nhà phát hiện nơi rắn hay trú ẩn (mái lợp tranh rạ, mái hiên, tường rơm có khe nứt lớn, khoảng trống không bịt kín của ván sàn).


BS. Nguyễn Văn Chính
Ý kiến của bạn