Ngứa da là một cảm giác rất phổ biến nhưng cơ chế xuất hiện của nó lại vô cùng phức tạp. Các cơ chế liên quan phụ thuộc vào nguyên nhân gây ngứa và liên quan đến cả thần kinh và các chất trung gian hóa học khác nhau như cytokine hoặc chất dẫn truyền thần kinh.
Do có nhiều nguyên nhân gây ngứa nên việc xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp đưa ra các lựa chọn điều trị tiềm năng. Trong bài viết này thảo luận về các nguyên nhân gây ngứa liên quan đến thuốc và cách điều trị.
1. Ngứa da do thuốc là gì?
Ngứa do thuốc là tình trạng ngứa da do thuốc gây ra. Dịch tễ học của ngứa da do thuốc vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhìn chung, các phản ứng có hại của thuốc thường xảy ra hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi và những bệnh nhân dùng nhiều loại thuốc.
Ngứa do thuốc liên quan đến việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc dùng toàn thân.
Cảm giác ngứa có thể xuất hiện khi bắt đầu điều trị bằng thuốc hoặc muộn hơn, tùy từng trường hợp. Ngứa do thuốc có thể phát triển ngay cả khi dùng liều thấp. Một số yếu tố cũng thúc đẩy gây ngứa là khô da, điều kiện khí hậu, căng thẳng, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp…
Thuốc có thể gây ngứa da do nhiều cơ chế:
- Miễn dịch học: Ngứa do thuốc xuất hiện trong bối cảnh quá mẫn tức thì hoặc muộn.
- Dược lý: Ngứa do thuốc xuất hiện theo cách gián tiếp hơn, do cơ chế tác dụng khác nhau của thuốc. Ví dụ, một loại thuốc gây khô da có thể gây ngứa. Điều tương tự cũng áp dụng cho các loại thuốc gây ứ mật hoặc giải phóng histamine.
Cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, cơ chế khởi phát của ngứa do thuốc không rõ nguyên nhân.
2. Thuốc nào gây ngứa da?
Ngứa liên quan đến thuốc là do một hoặc nhiều loại thuốc dùng toàn thân. Trong tờ thông tin hướng dẫn dùng thuốc của nhiều loại thuốc cũng liệt kê ngứa như một tác dụng phụ có thể liên quan đến điều trị.
Các loại thuốc này thuộc các nhóm trị liệu rất khác nhau, chúng là các phương pháp điều trị cấp tính hoặc mãn tính tùy từng trường hợp.
Dưới đây là một số ví dụ về các loại thuốc có thể gây ngứa da:
- Thuốc kháng sinh. Ví dụ: tetracyclines, beta-lactam.
- Thuốc giảm huyết áp. Ví dụ: chất ức chế chuyển đổi enzym, sartan.
- Thuốc tim. Ví dụ: thuốc chẹn beta, amiodarone.
- Thuốc giảm cholesterol. Ví dụ: statin và fibrat.
- Thuốc giảm đau. Ví dụ: morphin và các dẫn xuất của nó, aspirin, thuốc chống viêm không steroid.
- Thuốc chống động kinh. Ví dụ: barbiturat, carbamazepine, natri valproate.
- Thuốc chống trầm cảm. Ví dụ: thuốc chống trầm cảm ba vòng.
- Thuốc cản quang có i-ốt.
Nhìn chung, tất cả các loại thuốc đều có khả năng là nguồn gây ngứa. Vì vậy, cần báo cáo bất kỳ loại thuốc nào đang sử dụng gần đây cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ là người quyết định có cần ngừng một loại thuốc cụ thể hay không. Người bệnh không nên tự ý dừng thuốc hoặc điều chỉnh phương pháp điều trị.
3. Làm gì để giảm ngứa da do thuốc?
Khi xuất hiện ngứa do thuốc, người bệnh không được tự ý ngừng điều trị khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, trừ trường hợp da bị tổn thương rất nặng cần ngừng điều trị ngay lập tức.
Nếu phải tiếp tục điều trị bằng thuốc, việc giảm liều lượng thường được cân nhắc để duy trì hiệu quả điều trị đồng thời hạn chế tác dụng phụ gây ngứa của thuốc.
Thuốc kháng histamine có thể được kê đơn song song với việc điều trị trong trường hợp ngứa do thuốc.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể có vai trò đáng kể trong việc giảm triệu chứng. Da khô có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa, vì vậy, nên thường xuyên dưỡng ẩm cho vùng da bị ảnh hưởng và thoa chất làm mềm khi cần thiết. Bệnh nhân nên tránh làm khô da do tắm quá nhiều hoặc lạm dụng xà phòng và chất tẩy rửa.
Mặc quần áo thoáng mát và sử dụng nước ấm thay vì nước nóng để tắm, giảm căng thẳng cũng có thể là những phương pháp hữu hiệu để kiểm soát ngứa da do thuốc.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Những di chứng tâm lý sau mắc đậu mùa khỉ cần biết | SKĐS