Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiếm muộn được hiểu là tình trạng cặp vợ chồng trong 12 tháng quan hệ tình dục không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con được. Hiếm muộn được các nhà y học phân chia làm 2 loại: nguyên phát và thứ phát. Hiếm muộn nguyên phát tức là cặp vợ chồng chưa từng có thai lần nào. Hiếm muộn thứ phát là cặp vợ chồng đã có thể có thai trước đó nhưng bây giờ muốn có thai thì không thể có thai lại được.
Ngày càng có nhiều trường hợp hiếm muộn
Cần tìm hiểu kiến thức sinh sản, các thông tin liên quan đến khám, điều trị hiếm muộn trên sách báo và internet đáng tin cậy
Thống kê của các nhà y học cho thấy rằng, ở nữ giới hằng tháng đều có hiện tượng phóng noãn, ở giai đoạn này nếu giao hợp bình thường của hai vợ chồng trong tuổi sinh sản, khả năng có thai trung bình khoảng 25% sau 6 tháng mong có con, có khoảng 60 - 70% các cặp vợ chồng sẽ có thai. Đến 12 tháng sau mong con, có thể có khoảng 80 - 90% các cặp vợ chồng sẽ có thai, khoảng 10 - 15% các cặp vợ chồng sẽ chưa thể có con sau một năm dù họ rất cố gắng.
Theo WHO, có khoảng 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản sẽ gặp vấn đế về hiếm muộn và trên thế giới có hơn 80 triệu cặp vợ chồng như vậy. Ở Việt Nam ước tính thì có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Nguyên nhân đa dạng, phức tạp
Nguyên nhân do người vợ thường gặp như: viêm nhiễm đường tiết niệu-sinh dục, tắc vòi trứng, bất thường rụng trứng. Nguyên nhân do người nam bất thường về số lượng - chất lượng tinh trùng và bất thường xuất tinh…
Tỉ lệ viêm nhiễm đường sinh dục nữ là khá cao ở Việt Nam, có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên khả năng sinh sản; đa số trường hợp tắc vòi trứng ở Việt Nam thường là di chứng của nhiễm trùng đường sinh dục. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân: tuổi mong muốn có con của phụ nữ ngày càng trễ, khi nữ giới đi vào tuổi 30 thì bắt đầu giảm khả năng có con và sẽ tiếp tục giảm nhanh hơn nếu phụ nữ lớn hơn 35 tuổi. Với phụ nữ sau 40 tuổi, khả năng có thai còn lại rất thấp.
Ở Việt Nam ngày nay, ngày càng có nhiều phụ nữ ưu tiên thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ và thăng tiến trong nghề nghiệp, đặc biệt là ở khu vực thành thị, nên việc lập gia đình muộn hơn và xu hướng trì hoãn việc có thai sau khi lập gia đình ngày càng phổ biến. Nhiều phụ nữ bắt đầu mong muốn có con vào độ tuổi mà khả năng sinh sản đã giảm khá nhiều, đây là một nguyên nhân phổ biến của tình trạng hiếm muộn hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm, chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng có thể là các nguyên nhân quan trọng gây hiếm muộn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các chất ô nhiễm trong không khí, nguồn nước sử dụng có thể làm giảm khả năng sinh sản cả nam và nữ do có nhiều hóa chất công nghiệp, xây dựng... Thậm chí, hóa chất bảo quản thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp cũng là một nguồn ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản; áp lực công việc và cuộc sống ở Việt Nam ngày càng tăng đối với các cặp vợ chồng; chế độ sinh hoạt cũng thay đổi theo lối sống…
Nên làm gì?
Tỉ lệ viêm nhiễm đường sinh dục nữ là khá cao ở Việt Nam
Nên đi khám và điều trị sớm nếu sau 1 năm mong con mà vẫn chưa có thai. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian trên có thể giảm xuống còn 6 tháng, thay vì 1 năm sau khi lập gia đình. Không nên trì hoãn việc có con nếu người phụ nữ đã trên 30 tuổi. Nên khám và điều trị hiếm muộn ở các cơ sở chuyên khoa, để có các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia phôi học, mới có trình độ và kinh nghiệm để được tư vấn và điều trị phù hợp với kết quả tốt nhất. Các cơ sở điều trị trên, ngoài đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh và chuyên gia phôi học có trình độ chuyên môn tốt còn cần phải có hệ thống quản lý chất lượng tốt và nghiêm ngặt. Cần tìm hiểu kiến thức sinh sản, các thông tin liên quan đến khám, điều trị hiếm muộn trên sách báo và internet đáng tin cậy. Ngoài ra, các cặp vợ chồng cần chú ý điều chỉnh chế độ làm việc, ăn uống, sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe sinh sản.
Có khoảng 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản sẽ gặp vấn đề về hiếm muộn.
Không nên trì hoãn việc có con nếu người phụ nữ đã trên 30 tuổi.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG