Làm gì khi bị gai đôi cột sống?

18-05-2016 08:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cháu 18 tuổi, vì hay đau lưng nên cháu đi khám, chụp Xquang cột sống, bác sĩ kết luận cháu bị bệnh gai đôi cột sống. Có phải do cháu thiếu canxi nên mọc gai? Bác sĩ tư vấn cháu phải làm gì?

Cháu 18 tuổi, vì hay đau lưng nên cháu đi khám, chụp Xquang cột sống, bác sĩ kết luận cháu bị bệnh gai đôi cột sống. Có phải do cháu thiếu canxi nên mọc gai? Bác sĩ tư vấn cháu phải làm gì?

Phạm Thị Nhài (phamnhai1296@gmail.com)

Gai đôi cột sống là một dị tật cột sống bẩm sinh, thường xảy ra ở vùng thắt lưng - cùng. Trên phim chụp Xquang cột sống thắt lưng, thấy gai sau của cột sống không dính liền nhau mà lại tách đôi, để lại một khe hở ở giữa, do tổ chức sụn xơ không cản quang vì không được cốt hóa. Tỷ lệ mắc là 2/1.000 trẻ được sinh ra. Hiện nay, người ta cho rằng tỷ lệ bị gai đôi cột sống ở bào thai có thể giảm tới 70% khi người mẹ được cho uống acid folic bổ sung trước khi có thai. Gai đôi cột sống chỉ được coi là bệnh lý khi có thoát vị màng não qua lỗ hở còn không có thoát vị tủy thì người bệnh hoàn toàn có thể sống hòa bình. Trường hợp bị gai xương khác với gai đôi. Gai xương có thể mọc ở gót chân gọi là gai gót, gai đốt sống cổ và gai đốt sống lưng... Đây là quá trình viêm và phản ứng của xương vùng. Tuy nhiên nếu hay bị đau lưng do gai đôi hay gai cột sống nói chung cần được bác sĩ chuyên khoa khám, chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng lưu ý tập luyện và chọn lựa môn thể thao nhẹ nhàng, hợp lý để tăng cường sức dẻo dai, bền bỉ cho cột sống, như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, thể dục nhịp điệu. Tránh những môn thể thao bắt cột sống phải chịu trọng lượng lớn như nhảy cao, đẩy tạ... Người bệnh nên có các bài tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia xương khớp hay phục hồi chức năng.

BS. Đinh Thị Thanh


Ý kiến của bạn