Làm gì khi bị côn trùng đốt?

17-06-2014 10:22 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo các bác sĩ, hầu hết phản ứng đối với vết côn trùng đốt thường chỉ biểu hiện tại chỗ nhẹ như sưng nề, ngứa hoặc buốt, khó chịu và sẽ hết trong vòng một ngày.

Từ đầu hè tới nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trên 20 ca bệnh liên quan tới côn trùng đốt. Phần lớn bệnh nhân bị côn trùng đốt phải nhập viện điều trị là người dân tới từ các tỉnh vùng cao, trung du, như: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn... Hầu hết bệnh nhân khi nhập viện đều không biết bị côn trùng đốt hoặc dù thấy nốt côn trùng đốt nhưng chủ quan. Chỉ đến khi cơ thể bị sốt kéo dài, mệt mỏi, vàng da mới tới bệnh viện khám khiến việc điều trị muộn, bị biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng.

Theo các bác sĩ, hầu hết phản ứng đối với vết côn trùng đốt thường chỉ biểu hiện tại chỗ nhẹ như sưng nề, ngứa hoặc buốt, khó chịu và sẽ hết trong vòng một ngày. Phản ứng chậm, nặng hơn một chút có thể là sốt, phát ban, đau khớp. Một số côn trùng có nọc độc nguy hiểm (ong, kiến...) sẽ gây sốc phản vệ hoặc suy thận, suy gan cấp cho người bị cắn và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.

Khi bị côn trùng đốt cần rửa sạch bằng xà phòng và nước.

Xử trí khi bị côn trùng đốt

Đối với các phản ứng nhẹ: Di chuyển đến nơi an toàn để tránh bị đốt thêm. Cạo hoặc chải sạch ngòi bằng vật dụng có mép thẳng như thẻ tín dụng hoặc sống dao. Rửa vùng bị đốt bằng xà phòng và nước. Không nên cố kéo ngòi ra; làm vậy có thể khiến nọc độc giải phóng nhiều hơn.

Để giảm đau và sưng tấy, dùng túi chườm lạnh hoặc bọc đá vào một miếng vải để chườm. Có thể bôi kem hydrocortison 0,5% hoặc 1% (kem bôi có chứa kẽm hoặc hồ soda nung với tỷ lệ 3 thìa cà phê hồ soda nung với 1 thìa cà phê nước) lên vết cắn hoặc vết đốt vài lần một ngày cho đến khi triệu chứng giảm đi. Với các phản ứng dị ứng có thể bao gồm buồn nôn và đau bụng nhẹ, tiêu chảy, sưng với đường kính >5 cm tại vết đốt thì cần phải đi khám tại cơ sở y tế.

Đối với các phản ứng nặng: Các phản ứng nặng có thể tiến triển nhanh, với các dấu hiệu và triệu chứng: Khó thở, sưng môi hoặc họng, hoa mắt chóng mặt. nặng hơn là choáng, ngất, lú lẫn, nhịp tim nhanh. Đối với trường hợp này thì cần nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị kịp thời những biến chứng đe dọa tính mạng, tuyệt đối không chủ quan tự chữa ở nhà.

Việc tự dùng các loại thuốc bôi tại nhà chỉ làm mất thời gian, dễ khiến nạn nhân chủ quan vì cứ nghĩ đã được điều trị, đến khi bệnh trở nặng mới đến bệnh viện thì việc điều trị lúc này gặp nhiều khó khăn.

Cần chủ động phòng tránh việc bị côn trùng đốt

Không nên trêu chọc, kích động côn trùng. Đặc biệt, cần tránh các động tác nhanh, đột ngột ở gần tổ hoặc đàn côn trùng. Khi đi trong rừng, tiếp xúc với bụi cây hoặc các nơi côn trùng hay ở cần mặc quần áo dài ống, đội mũ, mặc các đồ bảo vệ (như ủng, mũ, găng, đeo kính). Người đã từng bị dị ứng do côn trùng đốt, cắn thì cần đặc biệt tránh xa chúng.

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, môi trường sinh hoạt và môi trường đất, nước. Phải phá bỏ những nơi côn trùng dễ cư trú như các đống rác, gạch vụn, cỏ khô, các vũng nước, bồn nước không dùng đến…

Lê Phương


Ý kiến của bạn