Hà Nội

Làm gì khi bị chấn thương tinh hoàn?

14-08-2020 22:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Chấn thương kín là nguyên nhân chấn thương tinh hoàn thường gặp nhất, kế đó là các vết thương tinh hoàn. Một số ít trường hợp chấn thương tinh hoàn có thể xảy ra trong lúc sinh. Có đến hơn 50% trường hợp chấn thương tinh hoàn dẫn đến vỡ tinh hoàn, gây đau, sốc, toàn vùng kín, bầm tím. Vì vậy việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Có đến 54% các nguyên nhân chấn thương tinh hoàn là do chơi thể thao, võ thuật gây ra, bởi lực va chạm mạnh của dụng cụ chơi và bạn chơi tác động mạnh trực tiếp vào bìu, 12% do tai nạn giao thông, té ngã, 16% do bất cẩn do leo cây, súc vật cắn, 7% do nắn bóp và đả thương. Ít gặp hơn là tự bóp, tự cắt trong lúc trạng thái tâm lý bất ổn, người chuyển đổi giới, tai nạn trong lúc phẫu thuật bộ phận sinh dục, hỏa khí.

Chấn thương kín không chỉ gây ra đụng dập hoặc vỡ tinh hoàn. Nếu một lực tác động đột ngột vào bìu có thể đẩy tinh hoàn chạy ngược vào trong ống bẹn, thậm chí tinh hoàn có thể chạy vào trong ổ bụng. Tổn thương loại này có thể gây đau rất dữ dội. Thừng tinh có thể bị xoắn và bao trắng của tinh hoàn có thể bị vỡ. Ða số các trường hợp này thường xảy ra trong bệnh cảnh đa chấn thương nên chấn thương tinh hoàn dễ bị bỏ sót. Khi khám có thể thấy một bên bìu không có tinh hoàn hoặc có thể sờ được tinh hoàn nằm ở vùng bẹn. Nếu tình trạng chung của bệnh nhân cho phép (không có thương tổn nặng khá đi kèm và sờ được tinh hoàn nằm ở nửa ngoài của ống bẹn thì có thể cho bệnh nhân thuốc giảm đau, tiền mê bằng đường tĩnh mạch để cố gắng dùng tay nhẹ nhàng đẩy tinh hoàn trở về vị trí trong bìu. Nếu cách làm này thất bại hoặc nếu nghi ngờ có vỡ tinh hoàn thì phải phẫu thuật thám sát và sửa chữa các thương tổn của tinh hoàn.

Nếu nghi ngờ có vỡ tinh hoàn thì phải phẫu thuật thám sát

Các dấu hiệu xác định chấn thương


Sau chấn thương hay một tai nạn, người bệnh thấy đau dữ dội ở vùng bìu và thường ngất đi, khởi đầu trên da bìu có những đám chấm xuất huyết, sau đó da bìu bầm tím tụ máu rõ, sưng to dần. Người bệnh vẫn đi tiểu được bình thường. Nếu có biến chứng có xoắn tinh hoàn, hay tổn thương đi kèm, cơn đau ngày một tăng, bìu đau co thắt, sờ nắn người bệnh than đau chói.

Tùy theo mức độ tổn thương mà trên thực tế được phân loại như sau. Tổn thương nhẹ: chấn thương tinh hoàn nhẹ, bìu chỉ bị xây xát, không rách hoặc rách do vết thương đơn thuần không có dị vật. Tổn thương trung bình: chấn thương có thể gây tụ máu trong bao trắng, có thể rách hoặc không rách bao trắng. Bìu có thể rách hoặc không rách, khối tụ máu trong da bìu lớn và có khuynh hướng tiến triển. Tổn thương nặng: tổn thương dập nát tinh hoàn, hoại tử và xuất huyết lan rộng, có thể kèm hoặc không kèm rách da bìu. Đòi hỏi can thiệp khẩn cấp. Vết thương tinh hoàn do hoả khí cũng nằm trong nhóm này do tốc độ đạn cao dẫn đến những tổn thương chưa nhìn thấy mà sẽ gây hoại tử muộn trong nhiều ngày. Tổn thương phối hợp: chấn thương hoặc vết thương vùng bìu, tinh hoàn trong bệnh cảnh đa chấn thương như tai nạn giao thông, thảm họa...

Các chấn thương tinh hoàn có ảnh hưởng gì ?

Ngay sau khi có tổn thương, tình trạng sản xuất tinh trùng bị thay đổi, thậm chí đưa đến vô tinh. Sau 3- 9 tháng, tình trạng sản xuất tinh trùng có thể phục hồi trở lại. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tổn thương tinh hoàn một bên có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn ở tinh hoàn còn lại và làm giảm khả năng thụ thai. Tất cả những người bị chấn thương tinh hoàn đều phải được theo dõi tinh trùng đồ.

Nguyên tắc chính điều trị chấn thương tinh hoàn

Xác định nguyên nhân chấn thương (nếu có thể); Sử dụng siêu âm đánh giá tình trạng tinh hoàn, bao trắng của tinh hoàn; Lâm sàng vẫn là yếu tố quyết định, không nên qua tin tưởng vào siêu âm; Nếu có nghi ngờ tổn thương nặng hơn tình trạng đụng dập thì nên phẫu thuật sớm thay vì điều trị bảo tồn. Vì phẫu thuật bao giờ cũng bảo tồn được chức năng của tinh hoàn nhiều hơn.



BS Phạm Ngọc
Ý kiến của bạn