Hà Nội

Làm gì khi bị chai chân tay tái phát?

07-11-2017 15:35 | Y học 360
google news

SKĐS - Chai thường xuất hiện ở tay, chân. Những chỗ thường xuyên tiếp xúc và cọ sát với một vật nào đó lâu ngày sẽ xuất hiện chai ở điểm tiếp xúc.

Tuy nhiên, chai chân cũng có thể do nhiễm virút ký sinh và khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhói.

Nhiều nguyên nhân

Chai là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng; ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển. Tổn thương là những đám dày sừng màu ngà, vàng, khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn, đôi khi ở trung tâm bong sừng tạo nên một lõm ở giữa.

Những chỗ thường xuyên tiếp xúc và cọ xát với một vật nào đó lâu ngày sẽ xuất hiện chai ở điểm tiếp xúc. Chai thường xuất hiện ở tay, chân. Thủ phạm gây chai ở tay thường là bút viết, tay lái xe máy, dụng cụ lao động. Còn thủ phạm gây chai bàn chân thường là giày, dép hoặc chính là xương các ngón chân ép sát vào nhau khi đi giày.

Chai chân còn gặp ở những người có dị tật ở bàn chân: bàn chân khum, có di chứng bại liệt ảnh hưởng tới tư thế của lòng bàn chân hoặc do tính chất di truyền. Ngoài nguyên nhân do cọ xát, tiếp xúc nói trên, chai còn là hậu quả của một lần nhiễm khuẩn khiến cho chai có nhân ở giữa (nhân này có thể là dị vật như mảnh vụn của gỗ, cát... nhưng cũng có khi là tác nhân gây viêm). Nhân của chai có chứa huyết thanh và gây đau đớn cho bệnh nhân, đôi khi tới mức không chịu đựng nổi. Những bệnh nhân mắc đái tháo  đường thường bị nhiễm khuẩn khi bị chai chân.

Chai chân do virút ký sinh nếu không điều trị sẽ không mất đi mà tăng kích thước, xâm lấn sang xung quanh và lây lan ra vùng khác. Chai do virút gặp ở mọi vị trí ở gan bàn chân, gan bàn tay.

Làm gì khi bị chai chân tay tái phát?

Về điều trị

Chai chân có thể điều trị dứt điểm nếu tìm được chính xác nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, do dị vật thì chỉ cần loại bỏ được dị vật, điều trị dứt điểm nhiễm trùng, vết chai sẽ mất dần.

Nếu nguyên nhân chai chân là do giày dép thì nên đi giày chỉnh hình bằng mút để phân bố lại lực tì đè của bàn chân cho hợp lý. Không nên đi những đôi giày quá chật so với chân, mũi giày quá nhỏ, gót quá cao. Nếu chai chân do dị tật bàn chân, khi được chỉnh hình, bệnh sẽ cải thiện đáng kể. Trường hợp do di truyền bệnh nhân sẽ phải chấp nhận sống chung với chai chân và chỉ có thể làm giảm sự khó chịu bằng cách bạt mỏng khi lớp sừng quá dầy bằng cách ngâm nước muối ấm cho mềm da và dùng dao gọt bỏ lớp sừng sau khi đã bôi vào đó một dung dịch chuyên tẩy da chết.

Can thiệp ít xâm lấn được áp dụng khi các biện pháp không hiệu quả.Dùng laser, dùng nitơ lỏng bôi vào hạt chai chân. Thậm chí cắt, bóc bỏ chai chân. Nếu mắt cá, chai chân do xương chồi - thừa tì đè thì cần cắt bỏ bớt mỏm xương thừa, chai chân.

Tại sao dễ tái phát?

Nguyên do thường không được tư vấn cụ thể cách loại trừ nguyên nhân gây da chai do tỳ đè hay do virút. Để tránh sự tái phát này cần chẩn đoán chính xác là chai chân, tay - sừng hóa do tiếp xúc hay do virút. Nếu do tiếp xúc gây sừng hóa - chai chân thì nên loại bỏ các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân đè ép do tiếp xúc. Còn chai do virút gây ra thường cần sử dụng dao điện khi cắt đốt để tiêu diệt rộng các tế bào xung quanh khối xơ chai chân khi bóc (các tế bào có thể chứa virút).

Lời khuyên của thầy thuốc.
Do chai chân tay rất dễ tái phát, vì thế, sau khi điều trị, bệnh nhân cần tránh đi những đôi giày quá chật, quá cao, mũi nhỏ... để tránh những điểm tì quá mạnh.
Nếu bàn chân đã có chai chứa nhân, thay vì đi giày, nên thay bằng đi dép săng đan... Ngoài ra, bạn có thể thoa dầu dừa, ôliu, thầu dầu lên lớp sần thường xuyên trong ngày; hoặc cũng có thể dùng nước cốt chanh thấm vào bông gòn bôi vào chỗ sần đó; đắp mặt nạ bột nghệ và mật ong cho chỗ chai và hãy nhớ rằng, bôi thêm kem dưỡng da có chứa thành phần dầu vazơlin hay lanolin để nuôi dưỡng vùng da đó mỗi tối trước khi đi ngủ vào chỗ chai chân đó.


BS. VŨ THU DUNG
Ý kiến của bạn