Thưa các bác sĩ con trai tôi năm nay 2 tuổi do chạy đi chơi không may bị ngã và gãy mất hai răng cửa. Hai răng cửa đó Gãy cụt hẳn tận đến lợi và chân răng. Bây giờ cháu ăn cái gì cũng không cắn được và hai răng cửa đó cứ cắn hoặc động vào là bị chảy máu vì chân răng còn thấp hơn lợi nên cái lợi cứ bị xưng mọng ra là chảy mau. Xin hỏi các bác sĩ liệu sau này cháu có mọc được răng nữa không và nếu mọc được sau này cái chân răng đó phải làm như thế nào để cho răng mới có thể mọc được, Còn bây giờ cần khắc phục tình trạng đau răng chảy máu đó như thế nào? Rất mong các bác sĩ chuyên khoa chỉ bảo và hướng dẫn để cho tôi biết cách để chăm sóc cháu. Tôi xin trân thành cảm ơn.
Trần Thị Hương, Ninh Bình
Chào em,
Trước hết, xin chia buồn với tai nạn mà bé nhà em gặp phải. Chấn thương răng miệng là một trong những chấn thương rất hay gặp phải ở trẻ nhỏ.
Hai răng sữa này bây giờ đã bị gãy đến tận chân răng, gây nhiễm trùng làm nướu, lợi sưng tấy và chảy máu thì bắt buộc phải nhổ bỏ. Bởi nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ không tốt cho sức khỏe răng miệng của cháu. Cụ thể là xương hàm, nơi có răng bị nhiễm trùng.
Việc nhổ bây giờ sẽ rất khó bởi vì cháu còn quá nhỏ, sẽ không chịu hợp tác với bác sĩ điều trị. Sẽ có hai lựa chọn mà gia đình nên bàn bạc với bác sĩ:
1. Sử dụng nhiều người để đè bé ra để nhổ. Cách này đơn giản nhưng sẽ làm cho bé rất sợ hãi, về lâu dài sau này nữa.
2. Gây mê để nhổ. Cách này có thể ảnh hưởng tới thần kinh của bé chút xíu và thực hiện khá phức tạp, tại BV lớn có chuyên khoa về RHM. Nhưng lại an toàn cho tinh thần của bé lâu dài sau này.
Sau khi nhổ bỏ, bé sẽ bị thiếu mất 2 răng cửa này. Phải đến năm 7 tuổi, răng cửa vĩnh viễn của bé mới được mọc lên thay thế. Bây giờ bé mới 2 tuổi, có nghĩa là còn đến 5 năm nữa. Đây là thời gian khá dài. Thời gian này sẽ ảnh hưởng tới việc mọc răng vĩnh viễn sau này như sau:
1. Mất răng quá lâu làm cho nướu (chỗ răng mất) chai lại, gây cản trở việc mọc răng sau này. Đến thời điểm mọc rang (khoảng 7 tuổi), nên cho bé đi khám bác sĩ để đánh giá tình trạng của nướu. Nếu nướu bị chai nhiều thì bác sĩ sẽ phẫu thuật tách nướu cho răng vĩnh viễn dễ mọc hơn.
2. Răng sữa được coi như là đường hướng dẫn cho răng thật mọc đúng vị trí. Mất răng sữa sẽ mất định hướng, làm cho răng vĩnh viễn sau này có nguy cơ mọc lệch.
3. Mất răng cửa sữa, hai răng sữa bên cạnh sẽ có xu hướng xâm lấn vào khoảng trống này. Khi khoảng trống không còn đủ cũng sẽ là nguyên nhân làm cho hai răng cửa vĩnh viễn sau này mọc không đúng vị trí. Trong trường hợp, đến khoảng 3 tuổi có thể đặt làm cho bé hàm giữ khoảng để ngăn sự di lệch của răng kế cận.
Bị chấn thương răng miệng từ quá sớm là điều không cha mẹ nào mong muốn. Xin chia buồn cùng bé trong trường hợp này.
Trong giới hạn của một bài Tư vấn, chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho em những thông tin và một vài lời khuyên như vậy. Tại Ninh Bình, em hãy đến khám tại một trung tâm nha khoa uy tín hoặc bệnh viện có chuyên khoa về RHM để được khám và tư vấn cụ thể, chính xác hơn nhé.
Chúc bé nhà em sớm có một hàm răng đều đẹp với chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt!