Mất ngủ tiên phát, lo âu và trầm cảm
Mất ngủ tiên phát là tình trạng mất ngủ kéo dài trên 3 tháng liên tục, không kèm theo các triệu chứng khác và không phải là hậu quả của một chất (rượu, ma túy) hoặc một bệnh khác. Rối loạn trầm cảm và lo âu lan tỏa cũng có triệu chứng mất ngủ trầm trọng và kéo dài nhiều tháng. Cả 3 rối loạn này đều rất phổ biến, chúng có biểu hiện chung là mất ngủ kéo dài nên dễ nhầm lẫn với nhau. Trong bài viết này, chúng tôi dùng thuật ngữ mất ngủ mạn tính để chỉ cả 3 rối loạn này.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người. Chả thế mà mỗi chúng ta đều dành ra 1/3 cuộc đời chỉ để ngủ.
Khi mất ngủ, não và các cơ quan khác không được nghỉ ngơi, các chất độc trong quá trình chuyển hóa sẽ không được đào thải ra khỏi cơ thể. Vì thế, các chức năng của não và các cơ quan khác đều suy giảm trầm trọng. Người mất ngủ vì thế sẽ có các biểu hiện mệt mỏi, hay cáu, khó tập trung chú ý, trí nhớ kém, chán ăn, chán nản, mất khả năng lao động...
Các tế bào vỏ não phải hoạt động quá mức gây suy nhược thần kinh (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS.Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc xuất hiện và phát triển mất ngủ mạn tính, đó là:
- Gien di truyền: Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh mất ngủ mạn tính có vai trò quan trọng của gien di truyền.
- Điều kiện sống không tốt, ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn, không gian làm việc và sinh hoạt không đảm bảo.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu chất và năng lượng.
- Thức đêm kéo dài, làm việc quá sức.
- Nghiện bia rượu, chất kích thích.
- Thường xuyên lao động trí óc quá mức, đặc biệt là những người sử dụng màn hình máy tính..
Căng thẳng là một trong những yếu tố thúc đẩy mất ngủ mạn tính (Ảnh minh họa)
Mất ngủ, căng thẳng là một trong những yếu tố thúc đẩy mất ngủ mạn tính, nhưng ngược lại, mất ngủ mạn tính nếu không được điều trị thì lại làm cho mất ngủ, căng thẳng trầm trọng hơn.
Mất ngủ mạn tính có nguy hiểm không?
Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng mất ngủ mạn tính lại gây ra nhiều rối loạn trên cơ thể và giảm chất lượng cuộc sống của người mắc. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các tình trạng như:
Mệt mỏi, mất năng lượng
Những tiếng động nhỏ cũng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Họ dễ bị mệt mỏi, xuất hiện đau nhức kéo dài trên 3 tháng và những triệu chứng này không hề thuyên giảm kể cả khi đã nghỉ ngơi.
Mất ngủ
Tình trạng khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay thức dậy sớm và có ác mộng cũng sẽ xuất hiện. Đồng thời, sau khi ngủ dậy, người bệnh thường mệt mỏi, uể oải. Thiếu ngủ về đêm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, công việc, học tập và sinh hoạt khi người mắc thường xuyên buồn ngủ, ngủ gật hay ngủ những giấc ngắn vào ban ngày.
Người bị mất ngủ mạn tính thường có thời lượng ngủ rất ít (ảnh minh họa)
Đau lan tỏa
Người bị mất ngủ mạn tính có thể bị đau cột sống, mỏi cổ, buốt xương sống, rối loạn cảm giác, hoa mắt, chóng mặt, các giác quan bị suy giảm,...
Những triệu chứng như: Mạch không đều, tăng huyết áp, đau thắt ngực, rối loạn thân nhiệt, liệt dương, kinh nguyệt không đều,... cũng thường xuyên xuất hiện khi bị mất ngủ mạn tính.
Cảm xúc không ổn định
Người mắc mất ngủ mạn tính thường trở nên dễ nổi cáu, hay hồi hộp, căng thẳng, xúc động,... Khả năng tập trung cũng suy giảm gây cản trở trong công việc, học tập. Bên cạnh đó, khi mất ngủ kéo dài, nhiều người còn có thể có ý định và hành vi tự sát...
Mất ngủ mạn tính có thể dẫn tới lo âu, trầm cảm (Ảnh minh họa)
Như vậy, mất ngủ mạn tính tuy không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh nhưng lại có thể từ từ ăn mòn sự sống, khiến họ kiệt quệ dần về tinh thần, sức khỏe. Do đó, việc tìm kiếm những biện pháp để cải thiện tình trạng này là vấn đề mà nhiều người đang băn khoăn suy nghĩ.
Làm gì khi bị mất ngủ kéo dài?
Có thể thấy, mất ngủ tiên phát, lo âu và trầm cảm có nhiều điểm chung giống nhau. Cụ thể, mất ngủ kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng căng thẳng, chán nản, bi quan, giảm sức sống, khó chú ý, trí nhớ kém, mệt mỏi... và các triệu chứng này lại khiến tình trạng mất ngủ trầm trọng hơn. Từ đó, tạo thành vòng xoắn bệnh lý nguy hiểm. Do đó, cần phải có phương pháp cải thiện chứng mất ngủ mạn tính, giúp người bệnh ngủ ngon và giảm dần những căng thẳng, áp lực.
Một số biện pháp cải thiện tình trạng mất ngủ mạn tính mà bạn có thể áp dụng như:
Thăm khám tại bệnh viện tâm thần hoặc khoa tâm thần tại bệnh viện đa khoa
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ của mất ngủ mạn tính, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần phải đến khám ở các bệnh viện tâm thần hay khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa để các bác sĩ, chuyên gia y tế thăm khám và tư vấn cụ thể.
Người bệnh nên tới gặp bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán bệnh và điều trị (Ảnh minh họa)
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Người bị mất ngủ mạn tính nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, cụ thể:
- Chế độ ăn đảm bảo đủ năng lượng, chia làm nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no.
- Không ăn những thực phẩm khó tiêu hóa.
- Đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng (chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và chất xơ).
- Bổ sung thêm nhiều rau xanh, hoa quả chín, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
- Bổ sung thực phẩm tốt cho sức khỏe não bộ như: Cá hồi, thực phẩm giàu vitamin nhóm A, E, C, B,...
Vệ sinh giấc ngủ
Không ngủ ngày (kể cả ngủ trưa), không lên giường nằm khi chưa buồn ngủ. Phòng ngủ nên thoáng, đủ mát (tốt nhất là 25 độ C), tối, giường chiếu sạch sẽ. Phòng ngủ chỉ dùng để ngủ, không sử dụng giường ngủ vào các việc khác như đọc báo, xem tivi. Trong phòng ngủ không nên để các thiết bị điện tử như tivi, máy vi tính vì chúng phát ra ánh sáng màu xanh, gây khó ngủ. Nếu sau 15 phút nằm trên giường mà bạn chưa ngủ được thì cần đứng dậy, ra khỏi giường và chỉ trở về giường ngủ khi đã thực sự mệt mỏi. Ngoài ra, bạn không nên tập thể dục trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ. Bạn cần luyện thói quen thức dậy vào một giờ cố định kể cả vào ngày nghỉ và khi đi du lịch.
Tập thể dục thể thao
Tập thể dục thể thao là biện pháp tốt thư giãn đầu óc và nâng cao tinh thần. Bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Theo giới chuyên gia, những bài tập tập thở sâu, chậm bằng cơ hoành cũng giúp giảm lo âu.
Tập thở sâu, chậm bằng cơ hoành giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi hiệu quả (Ảnh minh họa)
Hạn chế sử dụng những chất kích thích
Rượu, bia, thuốc có thể tình trạng suy nhược cơ thể càng trở nên nặng nề, nên người bệnh không nên sử dụng. Bên cạnh đó, người bị suy nhược thần kinh cũng không nên dùng đồ uống có chứa cafein. Nguyên nhân là bởi tác dụng kích thích thần kinh vỏ não của hoạt chất này có thể làm bệnh trầm trọng thêm.
Thuốc thường dùng điều trị mất ngủ mạn tính
Sau khi đã kiểm tra và thăm khám, các bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc điều trị suy nhược thần kinh. Một số nhóm thuốc thường được bác sĩ kê đơn có thể kể tới như:
- Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc đa vòng như clomipramine, mirtazapine.
- Nhóm thuốc bình thần như tofisopam (Grandaxin) và các thuốc bình thần nhóm benzodiazepin... Nói chung, nhóm thuốc benzodiazepin được khuyên dùng liều thấp trong một thời gian ngắn (1 vài tuần).
- Vitamin và các chất dưỡng chất thiết yếu cho não bộ: Vitamin B, Omega-3,...
Cách chống lo âu, điều hòa thần kinh thực vật và không gây lệ thuộc thuốc hiệu quả
Việc sử dụng thuốc cần tuân theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn cũng như đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Mất ngủ tiên phát, lo âu hay trầm cảm là các nguyên nhân mất ngủ phổ biến. Áp dụng những biện pháp trên sẽ giúp bạn cải thiện phần nào tình trạng mất ngủ kéo dài. Bên cạnh đó, đừng quên sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm phục hồi sức khỏe.
Website gồm các trắc nghiệm tâm lý giúp bước đầu sàng lọc các rối loạn tâm thần thường gặp như rối loạn lo âu và trầm cảm cho người dùng không phải là cán bộ y tế.
Xin lưu ý rằng các Trắc nghiệm này chỉ có ý nghĩa tầm soát. Việc chẩn đoán xác định nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, sau khi đã được hỏi bệnh và thăm khám, bao gồm việc đánh giá mức độ suy giảm chức năng của người bệnh.