Phụ nữ cần trang bị những kiến thức cơ bản về những biểu hiện của hội chứng tiền mãn kinh hay mãn kinh để tự chăm sóc mình.
Theo nghiên cứu, tuổi mãn kinh kinh của người Việt Nam thường ở vào độ tuổi khoảng 45 - 50, trung bình là 47, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp tắt kinh sớm ở độ tuổi 40, thậm chí là 35, cũng có người kéo dài đến tận 55 - 56; một nghiên cứu khác của các bác sĩ bộ môn sản Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy tuổi mãn kinh trung bình là 48,6 tuổi.
Ở vào cuối thời kỳ tắt kinh, buồng trứng người phụ nữ bị xơ hóa, teo nhỏ và mất hẳn chức năng nội tiết; thời kỳ mãn kinh chỉ ghi nhận qua hồi cứu sau 12 tháng liên tục không hành kinh. Những xáo trộn của thời kỳ này bao gồm: mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, hay quên, tê các đầu chi, nôn mửa, giảm thị lực, ù tai hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, bốc hỏa, có khi trầm uất, cảm thấy mình bị suy sụp, thất vọng, chán nản, đa nghi phiền muộn, lo lắng…
Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan... |
Qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã ước tính có khoảng 85% số phụ nữ ở tuổi mãn kinh xuất hiện tình trạng này, trong đó có khoảng 25% tương đối nặng nề làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác cần phải điều trị; khoảng 30 - 35% số phụ nữ mãn kinh có rối loạn về tiết niệu sinh dục như tiểu buốt, tiểu gắt, giao hợp đau và hầu hết phụ nữ trên 60 tuổi không còn ham muốn tình dục, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc và quan hệ vợ chồng.
Để khắc phục tình trạng trên, lúc mãn kinh cần tạo cho mình có một cuộc sống với môi trường vui tươi - lành mạnh, tránh những lo âu phiền muộn. Để tránh những cơn bốc hỏa là triệu chứng thường gặp ở tuổi mãn kinh, ta cần uống đủ lượng nước trong ngày từ 1 - 2 lít, tránh ăn nhiều chất béo như sôcôla, phômai, đồ uống có cồn hay cà phê, mặc quần áo thoáng mát.
Rối loạn kinh nguyệt có những biểu hiện như vòng kinh ngắn hay dài, đôi khi xuất huyết một cách bất thường, chỉ xử trí khi nào ra huyết nhiều gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cần sắp xếp giữa làm việc làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng chế độ dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các chất, nên bổ sung nhiều vitamin nhóm B, bổ sung lượng canxi. Nên ăn dưa hấu để cung cấp một phần chất xơ và nước sẽ giúp cơ thể chống được táo bón và đặc biệt cơ thể cần một lượng nước cho cơ thể. Tránh các thức ăn có nhiều muối, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam - quít - chuối. Cần tập thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan…
Trong đời sống vợ chồng có thể dùng thuốc hoặc các chất bôi trơn để tăng độ cảm giác, tránh được tổn thương niêm mạc gây đau do khô teo ở âm hộ - âm đạo. Nữ giới cũng cần trao đổi thẳng thắn và chân tình vợ chồng về sức khỏe và tâm lý trong giai đoạn này. Trên cơ sở đó, chồng sẽ có trách nhiệm, cảm thông để cùng chia sẻ về những trạng thái sinh lý nói trên.
Cần khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí kịp thời khi có các bệnh phụ khoa.
Dùng nội tiết thay thế giảm những triệu chứng tiền mãn kinh, giúp người phụ nữ vẫn có đời sống tình dục bình thường, giảm sự mệt mỏi, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, giảm khả năng loãng xương, làm cho da không bị lão hóa mà vẫn hồng hào, nhưng bên cạnh đó cũng có những ảnh hưởng không tốt như: nguy cơ ung thư vú và buồng trứng sẽ gia tăng. Ở Mỹ đã báo động ngưng dùng loại thuốc này vì đã gây nên một biến cố cho những phụ nữ đang được điều trị với liệu pháp thay thế bằng nội tiết. Do đó, khuynh hướng của các thầy thuốc nghiêng về hướng không dùng nhiều hơn, còn khi dùng thì chỉ cân nhắc dùng trong một thời gian ngắn, vì càng kéo dài nguy cơ ung thư vú càng cao. Chị em phụ nữ tuyệt đối không tự ý sử dụng nội tiết tố thay thế mà nên tư vấn ở thầy thuốc chuyên khoa.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG