Hà Nội

Làm gì để xe buýt “thân thiện” với người dân?

22-10-2020 12:34 | Xã hội
google news

SKĐS - Hà Nội là địa phương sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước với 122 tuyến xe buýt bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố. Tuy nhiên, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội chưa đạt như kỳ vọng của người dân. Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m. Liệu kế hoạch này có đạt được mục tiêu?

Vì sao người dân chưa mặn mà với xe buýt?

Theo thống kê, 85% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội đang được thực hiện bằng phương tiện cá nhân. Thực tế, sở dĩ người dân còn ngần ngại khi lựa chọn xe buýt là phương tiện di chuyển chính là do nhiều nguyên nhân như tỉ lệ đúng giờ thấp, điểm dừng, nhà chờ còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng còn nhiều bất cập...

Thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, tăng trưởng hành khách vận tải công cộng xe buýt không cao, tỉ lệ tăng trưởng trung bình chưa đến 1% mỗi năm. Bởi xe buýt có tỉ lệ chậm chuyến từ 10-20 phút/lượt chiếm tới 50-60/tổng số chuyến, xu thế xe buýt di chuyển đã giảm xuống dưới 20km/giờ (năm 2013 là 23km/giờ) dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài khiến sự hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết: Hiện nay, TP. Hà Nội có 33 điểm ùn tắc giao thông. 1 năm, mạng lưới xe buýt có 180.000 lượt xe điều chỉnh lộ trình ùn tắc không thể vận hành đã ảnh hưởng 3,5% tổng số chuyến lượt và việc đi lại của hành khách, tính ổn định và dịch vụ bị phá vỡ”.

Do đó, trong bối cảnh điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng kịp mà lượng phương tiện cá nhân lại gia tăng nhanh chóng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của loại hình xe công nghệ thì việc kéo người dân sang sử dụng loại hình xe buýt là một thách thức khó khăn.

Hệ thống xe buýt cần cải thiện để thu hút người dân.

Hệ thống xe buýt cần cải thiện để thu hút người dân.

Cần giải pháp tổng thể với sự tham gia của người dân

Kế hoạch số 201/KH-UBND về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội giai đoạn từ năm 2021-2030. Hà Nội đặt tiêu chí đến năm 2030, khoảng 80-90% người dân tại khu vực trung tâm thành phố có thể tiếp cận sử dụng xe buýt trong phạm vi 500m.

Theo kế hoạch, UBND TP yêu cầu xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn, bảo đảm đáp ứng chỉ tiêu tỉ lệ đảm nhận theo các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và thành phố; bảo đảm kết nối đến các khu vực tập trung dân cư (khu đô thị, khu công nghiệp...), các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành, các trung tâm phát triển kinh tế-xã hội; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.

Kế hoạch cũng nêu rõ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các thành phần tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị đầu tư phương tiện tham gia cung ứng dịch vụ vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố theo quy định. Hà Nội cũng ưu tiên nguồn vốn để mua sắm phương tiện công cộng hiện đại, có mức phát thải đạt tiêu chuẩn EURO 5, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường.

Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân là thước đo để đánh giá hiệu quả của giao thông đô thị. Chỉ khi người dân là chủ thể và hào hứng với phương tiện giao thông công cộng, khi đó, bài toán ách tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân mới có lời giải.


Hoàng Huy
Ý kiến của bạn