1. Vì sao thuốc có thể gây tổn thương gan?
Các tổn thương gan do thuốc có thể từ nhẹ như tăng chỉ số chức năng gan không có triệu chứng đến nghiêm trọng như viêm gan nguyên bào và suy gan...
Tổn thương gan do thuốc có 2 loại:
- Loại thứ nhất là độc tính trực tiếp trên gan của chính thuốc hoặc các chất chuyển hóa của nó. Mức độ tổn thương gan thường liên quan đến liều lượng của thuốc và hầu hết có thể dự đoán được. Ví dụ, thuốc giảm đau thông thường paracetamol rất an toàn, nhưng nếu dùng quá liều có thể gây tổn thương gan.
- Loại thứ 2 là phản ứng dị ứng hoặc bất thường về chuyển hóa do đặc điểm thể chất của từng cá nhân gây ra, không liên quan chặt chẽ đến liều lượng và tổn thương gan nghiêm trọng thường không thể đoán trước.
Tổn thương gan do thuốc cũng có thể được chia thành tổn thương gan cấp tính do thuốc và tổn thương mạn tính tùy theo diễn biến của bệnh:
- Tổn thương gan cấp tính do thuốc: Các triệu chứng tương đối rõ ràng, chủ yếu bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, nôn, vàng da, phát ban, sốt... Thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến vài tháng, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy gan cấp tính hoặc bán cấp và thậm chí tử vong.
- Tổn thương gan mạn tính do thuốc gây ra: Các triệu chứng tương đối âm ỉ và chủ yếu biểu hiện là men gan tăng nhẹ trong thời gian dài và lặp đi lặp lại. Hầu hết bệnh nhân sẽ không cảm thấy khó chịu rõ ràng nên dễ bị bỏ qua và khó phát hiện cũng như chẩn đoán.
2. Các loại thuốc có nguy cơ gây tổn thương gan
Các loại thuốc có thể gây tổn thương gan bao gồm:
- Thuốc chống lao: Các loại thuốc chống lao phổ biến có thể gây tổn thương gan bao gồm isoniazid, rifampicin, pyrazinamide, streptomycin...
- Thuốc chống khối u: Hầu hết tất cả các loại thuốc hóa trị đều có thể gây tổn thương gan do thuốc với nhiều dòng hóa trị, liều lượng thuốc hóa trị. Tỷ lệ mắc cao hơn ở người lớn tuổi, những người mắc bệnh gan tiềm ẩn, người nghiện rượu, bệnh nhân ung thư suy dinh dưỡng vừa phải và những người dùng nhiều thuốc đồng thời.
- Thuốc chống co giật: Thường gặp là oxcarbazepine, carbamazepine... những loại thuốc này thường được sử dụng trong thời gian dài và được sử dụng với nhiều cách kết hợp và dễ gây tác dụng phụ đến chức năng gan.
- Thuốc tim mạch: Thường thấy trong các thuốc hạ lipid máu (atorvastatin, rosuvastatin), thuốc hạ huyết áp (captopril, proponel, metoprolol), thuốc chống loạn nhịp tim (mexiletine, amiodarone).
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol cũng có nguy cơ gây tổn thương gan khi dùng liều cao.
Ngoài ra, cần cảnh giác với một số thuốc không kê đơn khác như thực phẩm chức năng và thảo dược không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
3. Nhóm người có nguy cơ cao bị tổn thương gan do thuốc
- Người cao tuổi mắc bệnh mạn tính cần dùng thuốc lâu dài: Người cao tuổi mắc bệnh mạn tính có thể cần điều trị nhiều loại thuốc cùng lúc. Khi tuổi tác tăng lên, quá trình chuyển hóa ở gan chậm lại và thời gian lưu giữ của thuốc trong máu tăng lên. Nguy cơ tổn thương gan do thuốc cao hơn và đặc biệt đáng lo ngại.
- Trẻ em: Gan của trẻ sinh trưởng và phát triển chưa hoàn thiện nếu sử dụng thuốc không hợp lý thì nguy cơ tổn thương gan cũng cao hơn.
- Phụ nữ: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có thể nhạy cảm hơn với một số loại thuốc và có nguy cơ cao hơn bị tổn thương gan do thuốc.
- Có tiền sử bệnh gan: Nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh gan như viêm gan B hoặc gan nhiễm mỡ, khi xảy ra tổn thương gan cấp tính do thuốc, nguy cơ tiên lượng bất lợi về mặt lâm sàng do tổn thương gan có thể tăng lên.
4. Cách để hạn chế tổn thương gan do thuốc
Mục đích của việc sử dụng thuốc là để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc tổn thương gan vẫn có thể xảy ra do nhiều yếu tố phức tạp như đặc tính của thuốc hoặc thể chất của người sử dụng. Vì vậy, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc hợp lý là chìa khóa để ngăn ngừa tổn thương gan do thuốc.
Trước khi sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ và các chuyên gia y tế để hiểu những rủi ro khi sử dụng thuốc, chủ động thông báo với bác sĩ kê đơn về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc thảo dược), tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử bệnh và các thông tin quan trọng khác.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhãn thuốc cụ thể. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi các xét nghiệm liên quan đến chức năng gan.
Không uống rượu trong khi dùng thuốc và chú ý đến phản ứng của cơ thể với thuốc. Những bất thường về thể chất trong quá trình dùng thuốc như buồn nôn, chán ăn, khó chịu ở bụng, mệt mỏi, ngứa da, thậm chí cả sốt nhẹ, lòng trắng của mắt và da vàng, nước tiểu có màu sậm, phân màu xám - trắng... rất có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương gan và nên đi khám càng sớm càng tốt.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Viêm gan: Những ca bệnh biến chứng đáng sợ