Làm gì để thuốc nội không thua trên sân nhà?

23-12-2013 07:43 | Thời sự
google news

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó chi cho thuốc ngoại. Con số này chứng tỏ rằng, người Việt vẫn chưa tin vào thuốc nội.

Thông tin tại chương trình “Con đường thuốc Việt” tổ chức cuối tuần qua, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó chi cho thuốc ngoại. Con số này chứng tỏ rằng, người Việt vẫn chưa tin vào thuốc nội. Làm thế nào để “người Việt tin dùng thuốc Việt”? Câu hỏi này đã được PV báo Sức khỏe & Đời sống đặt ra với một số đại diện lãnh đạo Sở Y tế và bệnh viện.

PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW: Thuốc sản xuất trong nước phải chứng minh được chất lượng

 

Tại BV Nhi TW, thuốc nội sử dụng trong BV chỉ chiếm tỷ lệ 1/10 trong tổng số các loại thuốc được dùng. Nguyên nhân thuốc Việt chưa được sử dụng nhiều ở BV tuyến TW là vì việc tuyên truyền chưa sâu rộng, người dân vẫn còn tâm lý “sính ngoại”. Bên cạnh đó, các bác sĩ kê đơn thuốc theo thói quen, mặc dù có những loại thuốc Việt tương đương rất tốt nhưng vẫn kê thuốc ngoại. Mẫu mã thuốc nội đã cải thiện nhiều nhưng vẫn chưa tạo đủ niềm tin với bác sĩ và người dân. Do đó, chỉ khi nào tất cả bác sĩ đều kê đơn thuốc nội cho con đẻ, cháu ruột mình thì lúc đó thuốc nội mới thực sự có chỗ đứng. Bởi trên thực tế, bác sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa thuốc nội vào BV vì người bệnh không tự ra quyết định chọn thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ kê đơn thuốc nội khi họ thấy tin tưởng vào chất lượng của thuốc. Ngoài ra, việc đấu thầu thuốc hết sức tạo điều kiện cho thuốc nội, nhưng niềm tin sử dụng thuốc nội chưa cao. Vì vậy, thuốc sản xuất trong nước phải chứng minh được thuốc tốt, ít tai biến thì lúc đó bác sĩ mới tin dùng và sẵn sàng dùng.

TS. Trần Viết Tiệp - Giám đốc BV Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí: Giám sát kê đơn của thầy thuốc giúp việc dùng thuốc nội tăng lên

 

Thuốc sản xuất trong nước hiện được sử dụng tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chiếm đến 40 - 50%, với các thuốc chủ yếu là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm... Mặc dù thuốc nội chiếm khoảng 40 - 50% số lượng thuốc dùng tại BV, nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 30% toàn bộ tổng chi phí về thuốc của toàn BV. Đó là những ưu điểm tiết kiệm chi phí do thuốc nội mang lại nhưng hiệu quả điều trị vẫn cao. Sở dĩ BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đẩy mạnh dùng thuốc sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu điều trị tại BV là do giá các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước mà BV cần tương đối đa dạng, cùng một hoạt chất nhưng có nhiều mức giá khác nhau và đều ở trong điều kiện chấp nhận được hơn so với giá của mặt hàng thuốc ngoại có hiệu quả điều trị tương đương. Bên cạnh đó, khả năng cung ứng tương đối nhanh và thuận tiện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc tại BV của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng là một lợi thế để BV ưu tiên dùng thuốc nội. Tuy nhiên, việc triển khai kê đơn điện tử và thường xuyên giám sát kê đơn của thầy thuốc tại BV cũng là một trong những biện pháp giúp việc dùng thuốc nội của BV tăng lên.

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: Các doanh nghiệp dược trong nước không nên sản xuất dàn trải

 

Hiện ở TP.HCM, trung bình, các BV dùng khoảng 48 - 50% thuốc sản xuất trong nước. Nhưng tại các BV chuyên khoa như ung thư, nhãn khoa, ngoại khoa chỉ còn 5 - 10%. Sự chênh lệch này cũng dễ hiểu. Thuốc Việt dù đã cố gắng nhưng lượng thuốc đặc trị khiêm tốn so với thuốc thông thường nên với những trường hợp bệnh nặng ở tuyến trên, BV buộc phải điều trị bằng các loại biệt dược, đặc trị. Đánh giá điểm yếu của thuốc nội là chưa có nhiều thuốc đặc trị, nên cần có sự chỉ đạo, định hướng để các công ty dược không sản xuất dàn trải, tập trung vào cùng một loại thuốc thông thường mà nên đầu tư sản xuất các thuốc còn thiếu, còn phải nhập khẩu nhiều. Do đó, bà Lan đề nghị, hiện nay, các công ty dược Việt Nam vừa phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài lại phải tự cạnh tranh với nhau. Cần phải hạn chế cấp số đăng ký cho các thuốc ngoại mà trong nước có thể sản xuất được. Đồng thời, phân vùng, phân tuyến để các công ty không sản xuất “dẫm chân” lên nhau.

Thái Bình

Phát biểu tại chương trình “Con đường thuốc Việt”, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chương trình “Con đường thuốc Việt” sẽ là cầu nối quan trọng giữa cơ quan quản lý, người dân và các doanh nghiệp dược trong công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách đường lối của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dược nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với thuốc sản xuất trong nước cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc đối với việc kê đơn, sử dụng thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn, hiệu quả, từ đó hỗ trợ ngành dược Việt Nam phát triển. Đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý Cục Quản lý Dược và doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước bên cạnh các giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về thương mại, cần có giải pháp về kỹ thuật; các nhà sản xuất dược trong nước cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá sinh khả dụng và tương đương sinh học của thuốc nhằm chứng minh hiệu quả điều trị của sản phẩm tương đương với thuốc biệt dược gốc...

 


Ý kiến của bạn