Giá tiêu dùng tăng, trang thiết bị y tế trong đấu thầu phải .... giảm
Tại cuộc làm việc chiều ngày 22/8 của Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn, đại diện lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ:
"Theo quy định giá đấu thấu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó như vậy là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật thị trường, dẫn đến tình trạng gói thầu một là trượt, hai là bệnh viện mua phải hàng không đạt chất lượng"- ông Nguyễn Đức Trường – Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên nói.
Chia sẻ với phát biểu liên quan đến “dao giá rẻ rạch 3 lần mới đứt” của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Đức Trường cho rằng đó là thực tế của nhiều bệnh viện. “Đơn giản dây truyền, có một đoạn để tiêm thuốc vào nhưng cứ châm vào lại chảy nước. Trước đây mua dây truyền tốt thì không sao, nhưng dây truyền rẻ thì có tình trạng này”
Các y bác sĩ đang nỗ lực thực hiện ca phẫu thuật để mang lại sức khỏe cho người bệnh.
Trước đó, phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế sáng ngày 21/8, BSCK II Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thẳng thắn chia sẻ: Bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch.
Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt"- BSCK II Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi trăn trở của các bác sĩ tại bệnh viện này.
Lãnh đạo Bệnh viện A Thái Nguyên và một số bệnh viện lớn tại Hà Nội trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống cũng rất thẳng thắn cho rằng những điều BS Thức chia sẻ là thực trạng chung ở nhiều bệnh viện.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương ví von việc bệnh viện đấu thầu mua vật tư y tế, trang thiết bị giống khi mua xe máy. Theo đó, sẽ đặt ra những tiêu chí để mua nhưng theo quy định của pháp luật chỉ được đưa ra yêu cầu chung chung như "động cơ 4 thì, chạy bằng xăng, dung tích xi lanh, có 2 bánh…".
Với những tiêu chí như thế thì xe máy tàu hay Honda đều đáp ứng và khi đấu thầu thì sản phẩm nào rẻ hơn sẽ trúng thầu. "Nhưng thực tế, có cái dùng 20 năm không hỏng, có cái dùng một năm thì vứt đi. Trong khi đó, những vật tư tiêu hao đưa vào con người như vật liệu hàn xương, stent… phải lựa chọn đồ tốt"- Lãnh đạo bệnh viện này nói.
Cũng về vấn đề giá mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, trang thiết bị PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai từng nhiều lần chia sẻ: "Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó".
Tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế với Bộ Tài chính và một số bộ, ngành liên quan, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đã mua sonde hút dịch phế quản cho bệnh nhân hồi sức hô hấp, thở máy loại 160.000 đồng, trong khi loại tốt hơn giá 220.000 đồng không được chọn.
Mặc dù khi chấm thầu, cả 2 loại sonde này đều đạt các chỉ số kỹ thuật, tiêu chí của chủ đầu tư đặt ra. Nhưng khi sử dụng thì bác sĩ nhận thấy loại trúng thầu có ống hút rất cứng, hút dịch phế quản khó khăn, có thể gây tổn thương niêm mạc hô hấp của bệnh nhân, gây chảy máu.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Thông tư 14/2020 về đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, trong đó chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu.
"Cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, nên khi đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng, ta rơi "vào bẫy" muốn mua vật tư tốt của châu Âu, Mỹ, Nhật rất khó. Với cách phân nhóm của thông tư 14, chúng tôi sẽ mua được vật tư rẻ tiền, đi liền với chất lượng, nhiều thứ chất lượng rất không như ý. Các bệnh viện dễ rơi vào "bẫy" mua phải vật tư không đáp ứng yêu cầu, chọn vật tư (phải loại rẻ nhất tham gia dự thầu) không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật"- ông Cơ nói.
Đề xuất từ thực tiễn: Mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất
Cũng về vấn đề này một lãnh đạo Bệnh viện tuyến trung ương khác bày tỏ: Luật Đấu thầu không quy định doanh nghiệp công bố giá nhập khẩu, hay nộp tờ khai hải quan. Bệnh viện xây dựng giá kế hoạch theo quy định của luật và trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt. Các doanh nghiệp thường thì tùy từng loại trang thiết bị và vật tư y tế, và tùy doanh nghiệp xây dựng giá bán để tham gia đấu thầu.
Do vậy, bệnh viện không thể biết giá nhập, không được kiểm tra tờ khai hải quan với doanh nghiệp khi nộp hồ sơ thầu.
Một điều bất cập nữa theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, vật tư thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các bệnh viện không thể tìm được hợp đồng trúng thầu.
"Thực tế hãng A sản xuất ra máy thì thường sản xuất hóa chất đi kèm nhưng trong đấu thầu mà viết về kỹ thuật hóa chất A đáp ứng máy A thì rơi vào bẫy chỉ định thầu nên chủ đầu tư làm các bài thầu hết sức lúng túng. Ngoài ra, nhiều thiết bị y tế chính hãng hay thuốc chính hãng chỉ có một hãng sản xuất, việc tổ chức đấu thầu đôi khi rất khó. Chúng ta đề xuất đàm phán giá. Sau đấy, căn cứ vào giá đàm phán, các bệnh viện dựa vào để mua bán, giải quyết được bài đấu thầu.
Nhiều ý kiến kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…; quy định rõ các bước, các hội đồng có quyền xác định nhu cầu thực tế là phù hợp. Ảnh: minh hoạ
Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị trong văn bản pháp quy tới phải có hướng dẫn cụ thể, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố giá, đặc biệt là giá vật tư y tế"- Giám đốc BV Bạch Mai nói.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Vì vậy, kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…; quy định rõ các bước, các hội đồng có quyền xác định nhu cầu thực tế là phù hợp.
Giám đốc BV Chợ Rẫy kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Hiện giờ nếu đấu thầu tên chung chung thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.
Mời bạn đọc xem tiếp Bài 3: Tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm, đầu thầu y tế thế nào?