Hà Nội

Thiếu vật tư, biệt dược: Phải chuyển mẫu đi nơi khác xét nghiệm, thuốc khác điều trị thay thế

23-08-2022 09:16 | Y tế

SKĐS - Tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có giai đoạn thiếu thuốc biệt dược gốc, thuốc hướng thần và chuyên khoa; thiếu hoá chất xét nghiệm... gặp một số khó khăn trong đấu thầu, mua sắm... Tuy nhiên vấn đề này đang dần được khắc phục, tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ: Các Bộ, ngành phối hợp "gỡ rối" trong mua sắm, đấu thầu cho ngành Y tếThủ tướng Chính phủ: Các Bộ, ngành phối hợp 'gỡ rối' trong mua sắm, đấu thầu cho ngành Y tế

SKĐS - Trưa 21/8, sau nhiều giờ lắng nghe bác sĩ, đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành chia sẻ những khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế, tình trạng thiếu thuốc và nhân viên y tế nghỉ việc...

Phải chuyển mẫu đi nơi khác xét nghiệm, dùng thuốc generic điều trị thay thế

Báo cáo về tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn tại Bệnh viện TW Thái Nguyên chiều ngày 22/8, bà Lưu Thị Bình- Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Hiện tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị.

"Tuy nhiên, có tình trạng gián đoạn cung ứng một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở một số đơn vị, điển hình là Bệnh viện A - Bệnh viện hạng 1 của tỉnh do một số thuốc biệt dược gốc chưa có kết quả thầu, bệnh viện sử thuốc generic để điều trị thay thế"- bà Bình cho biết.

Cũng tại Bệnh viện A do gián đoạn cung ứng một số vật tư, hóa chất xét nghiệm, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mua bổ sung, bệnh viện phải ký hợp đồng, chuyển mẫu xét nghiệm cho Bệnh viện TW Thái Nguyên hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

photo-1661258445649

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế về tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát biểu tại buổi làm việc với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại Bệnh viện TW Thái Nguyên.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một số bệnh viện có vị thuốc cổ truyền tồn kho nhưng chưa có giấy đăng ký lưu hành hoặc vị thuốc cổ truyền đã trúng thầu nhưng nhà thầu không cung ứng do chưa có giấy đăng ký lưu hành nên bệnh viện chưa được sử dụng theo quy định tại Thông tư 38/2021/TT-BYT.

Làm rõ thêm thông tin, ông Nguyễn Đức Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện A cho biết, giai đoạn tháng 6/2022 đầu tháng 8/2022 có thiếu vài mặt hàng thuốc gốc, biệt dược; có một số vật tư trúng thầu nhưng chưa được cấp mã nên bệnh viện không dám sử dụng vì sẽ không được thanh toán; đấu thầu theo hình thức qua mạng trọn gói nên một mặt hàng trượt thầu thì sẽ trượt tất cả.

"Theo quy định giá đầu thấu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó như vậy là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật hàng hoá, thị trường"- đại diện Bệnh viện A nói.

Theo đại diện Bệnh viện C Thái Nguyên mỗi năm bệnh viện này sử dụng khoảng tầm 50 tỷ tiền thuốc, trên 35 tỷ tiền vật tư y tế, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn về gián đoạn cung ứng thuốc, tuy nhiên cơ bản vẫn đủ thuốc điều trị. Từ thực tế của bệnh viện, ông Đoàn Văn Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện C đề nghị với những gói thầu dưới 500 triệu nên giao quyền chủ động cho các cơ sở y tế để chủ động trong đấu thầu.

Chưa có danh mục thiết bị đồng nhất... dẫn đến một sản phẩm cùng chức năng có 2 tên gọi khác nhau

Báo cáo của Bệnh viện TW Thái Nguyên tại buổi làm việc cho biết, trung bình 1 tháng bệnh viện này sử dụng khoảng 16 tỷ tiền thuốc.

Trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, DS CKII Hoàng Thị Thu Hương – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện TW Thái Nguyên cho biết thời gian qua có 6 nhà thầu không cung ứng thuốc theo hợp đồng với do nguyên nhân bất khả kháng như thuốc hết số đăng ký, gián đoạn nguồn cung…

"Có thời điểm gián đoạn cung ứng đã xảy ra thiếu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (do không có hàng trên cả nước), bệnh viện phải thay thế sang các thuốc khác cùng tác dụng; Ngoài ra một số thuốc hiếm, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần cung ứng gián đoạn (midazolam, fentanyl, diazepam, Protamin) gây khó khăn cho công tác điều trị"- Dược sĩ Hương thông tin.

Cùng đó, trong kế hoạch đấu thầu thuốc 2022-2023 của bệnh viện, một số mặt hàng thuốc như: pethidin, phenobarbitan đường tiêm, diazepam đường tiêm, thuốc tiêu sợi huyết không có nhà thầu dự thầu.

Tuy nhiên hiện tại bệnh viện này vẫn đang cơ bản đủ thuốc phục vụ nhu cầu điều trị.

Tại buổi làm việc, Bệnh viện TW Thái Nguyên kiến nghị đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn, duy trì hiệu lực giấy phép lưu hành, đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc độc, thuốc hướng tâm thần, thuốc gây nghiện, tiến độ công bố đáp ứng EU-GMP, công bố biệt dược gốc, thay đổi thông tin thuốc, các thông tin cần thiết cho đấu thầu...

Bộ Y tế có hướng dẫn sửa đổi thông tư 38/2021/TT-BYT nhằm đảm bảo đủ vị thuốc y học cổ truyền cho các cơ sở điều trị.

Đối với công tác đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, theo đại diện Bệnh viện TW Thái Nguyên hiện chưa có danh mục thiết bị đồng nhất dẫn đến cùng 1 chức năng có 2 tên gọi khác nhau, cấu hình gần giống nhau, của các hãng khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc tra cấu hình, xác định giá kế hoạch…

Đại diện Bệnh viện TW Thái Nguyên cũng kiến nghị chuẩn hóa danh mục toàn quốc áp dụng (tên gốc) cấp mã đồng nhất (tránh xuất toán BHYT); Cần có thẩm tra, thẩm định giá công khai của các công ty để đảm bảo các bệnh viện mua thấp hơn giá đó là giá "không sai".

photo-1661258448257

Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng: Theo quy định giá đầu thấu năm nay phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó như vậy là thực hiện đấu thầu theo kiểu đi ngược lại quy luật hàng hoá, thị trường

Đồng thời cần bắt buộc các đơn vị công khai kết quả trúng thầu sau khi có quyết định trúng thầu (có thời gian cụ thể) làm căn cứ cho các đơn vị tham khảo.

Các thông tin doanh nghiệp đã công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế cần quản lý, tránh việc doanh nghiệp xóa, sửa gây khó khăn cho các đơn vị tham khảo, làm ảnh hưởng đến hậu kiểm sau này.

Liên quan đến Thông tư 14, đại diện Bệnh viện TW Thái Nguyên đề nghị bổ sung thêm nước sản xuất tham chiếu làm cơ sở xây dựng phân nhóm trang thiết bị y tế; cùng đó trang thiết bị y tế nên có quy định là mặt hàng đặc thù để khi thay thế, sửa chữa nhanh, kịp thời phục vụ chuyên môn...

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Dụng - Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, phó đoàn kiểm tra số 1 cho biết hiện Bộ Y tế đang tổng hợp các bất cập về kê khai giá thiết bị y tế, đã thành lập ban soạn thảo để tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 14 phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nêu rõ mặc dù đến thời điểm này qua báo cáo của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cơ bản không thiếu thuốc thiết yếu, nhưng tình trạng thiếu thuốc biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc thù, vật tư tiêu hao và thiết bị y tế là có xảy ra và đã ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cũng như sự hài lòng của người bệnh.

"Cũng qua nghe ý kiến thảo luận và báo cáo của Sở Y tế Thái Nguyên, của Bệnh viện TW Thái Nguyên và các cơ sở y tế trên địa bàn cho thấy các bệnh viện đã 'bọc lót', hỗ trợ nhau khi cơ sở y tế này thiếu thuốc, vật tư... thì cơ sở khác hỗ trợ nhận bệnh nhân, nhận mẫu xét nghiệm... Chúng tôi đánh giá cao điều này, bởi dù là bệnh nào thì cũng phục vụ người bệnh, vì sức khỏe người bệnh"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trên thực tế trong công tác đấu thầu, mua sắm từ thực tiễn của các bệnh viện cho thấy một số quy định chưa phù hợp với thực tế, nhất là các vấn đề về liên danh, liên kết, máy đặt, công khai giá...

"Chúng tôi tiếp thu các ý kiến kiến nghị và đề xuất các bệnh viện đã đưa ra. Hiện chúng tôi đang giao các bệnh viện tiếp tục đánh giá thực trang thiếu thuốc, vật tư y tế, cũng như tác động của vấn đề này đến công tác khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh, để từ đó có những báo cáo đến Lãnh đạo Bộ Y tế và Lãnh đạo Chính phủ để có những chỉ đạo, tháo gỡ cho phù hợp"- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nói.

Mời bạn đọc xem tiếp bài 2: Làm gì để thầy thuốc không còn trăn trở về dao mổ 'cùn', dây truyền dịch, ống sonde giá rẻ?

Thủ tướng: Tạo cơ chế minh bạch và khả thi, tránh tâm lý 'sợ đấu thầu', ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnhThủ tướng: Tạo cơ chế minh bạch và khả thi, tránh tâm lý "sợ đấu thầu", ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh

SKĐS - Thủ tướng lưu ý, nếu vướng mắc cơ chế đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, Chính phủ sẽ họp liên ngành để tháo gỡ và xử lý để dứt khoát việc này không ảnh hưởng đến công khám và điều trị.

Thái Bình
Ý kiến của bạn