Tuy nhiên, để nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”...
Đã có nhiều người nước ngoài, Việt kiều lựa chọn y tế Việt Nam
Tại Hội nghị truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang dự thảo Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030”...
Y tế Việt Nam đã thu hút nhiều Việt kiều về nước điều trị. Ảnh: TM
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, các thầy thuốc của Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao, không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán... Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.
Dẫn chứng thực tiễn là ca bệnh mới đây, các bác sĩ của BV Phổi TW vui mừng thông báo, cụ ông H.Đ.N. (90 tuổi, Praha, Cộng hòa Séc) - bệnh nhân cao tuổi nhất và có nhiều bệnh lý phức tạp nhất từng điều trị tại bệnh viện đã được phẫu thuật thành công. Trước đó, tại nhiều cơ sở y tế khác như BV Nội tiết TW, BV Việt Đức, Bệnh viện K, BV TW Huế, BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, BV Từ Dũ, BV Răng hàm mặt... đã tiếp nhận điều trị thành công nhiều bệnh nhân người nước ngoài với những tình huống bệnh khó...
Một trong những thế mạnh của y tế nước ta là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém. Năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
“Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám chữa bệnh thực hiện tháng 8/2019 tại 329 bệnh viện, tổng số 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê thông tin.
Các bệnh viện tuyến Trung ương được người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh nhiều nhất gồm BV ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, BV Chợ Rẫy, BVĐK Trung ương Huế cơ sở 1, BV Phổi Trung ương, BVĐK Trung ương Quảng Nam... Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch...
Để đưa Việt Nam thành “công nghiệp y tế”
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhìn nhận chất lượng dịch vụ hiện nay chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị. Ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỷ USD/năm. Điều này có thể dẫn tới việc “chảy máu” ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền hà...
Bên cạnh đó, dù chất lượng bệnh viện tại Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt trong vòng 5 năm gần đây, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc “gắn sao” cho bệnh viện chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả...
Hiện tỷ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị quốc tế chất lượng cao chỉ chiếm 5,5%; tỷ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị yêu cầu chiếm 22,2%. Do đó, Bộ Y tế đã đề xuất đề án “dây rút ngược” trong năm 2019 với quan điểm sáng tạo và bứt phá định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối ưu tiên phát triển kỹ thuật chất lượng cao thay vì tiếp nhận nhiều mặt bệnh như hiện nay.
Hiện nay, có khoảng 4 triệu người Việt Nam và người gốc Việt sinh sống trên hơn 100 quốc gia ở 5 châu lục, trong đó có khoảng 1,8 triệu người Việt sống tại Hoa Kỳ.
Vì thế, việc xây dựng Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030” đã đặt mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám, chữa bệnh.