Làm gì để tăng chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện?

22-03-2017 11:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách nằm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, sau thời gian thực hiện, BHXH tự nguyện có nhiều phát triển.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách nằm trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, sau thời gian thực hiện, BHXH tự nguyện có nhiều phát triển. Tính đến cuối năm 2016 đã có khoảng 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, có gần 30.000 người đang từ chỗ không có cơ hội về mặt chính sách để hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH, đã được tham gia BHXH tự nguyện và đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây vẫn là con số thấp, cho thấy số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất hạn chế...

Đánh giá về việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng thừa nhận, 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện so với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc là một con số còn khiêm tốn. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc, đóng tiếp bảo BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến lượng người tham gia BHXH tự nguyện thấp là do nhận thức của người lao động về BHXH còn kém và biện pháp tuyên truyền, phổ biến về BHXH tự nguyện có nhiều hạn chế.

Làm gì để tăng chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện?Cần khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: TM

Báo cáo Thực trạng công tác phát triển đối tượng và thu BHXH tự nguyện giai đoạn 2008-2016 chỉ ra việc tuyên truyền vận động người tham gia BHXH tự nguyện đang vấp phải nhiều khó khăn khi việc minh họa các quyền lợi của người tham gia sau 20 năm là rất khó, thiếu các ví dụ trực quan, sinh động nên không thuyết phục được người tham gia.

Khẳng định số người tham gia còn quá thấp so với tiềm năng, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở những người đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian hưởng lương hưu nên đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện chứ chưa có nhiều đối tượng mới.

Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu thuộc BHXH Việt Nam cho biết, thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ năm 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân. Bên cạnh đó, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện. Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) bổ sung thêm, thực tế, phần lớn những người tham gia BHXH tự nguyện đều đóng ở mức thấp, điều này cho thấy những người tham gia còn khó khăn về mặt tài chính.

Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến BHXH tự nguyện chưa triển khai được đến số đông, chưa tương xứng với tiềm năng thị trường cũng như sự ưu việt của chính sách là việc BHXH tự nguyện chưa có được hệ thống đại lý bán lẻ rộng khắp và đa dạng.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, cùng với các chủ trương, chính sách nhằm gia tăng lượng người tham gia BHXH tự nguyện thì công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2016 được quy định bằng 22% của mức thu nhập tháng, do người lựa chọn (thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở). Phương thức đóng linh động hơn theo hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm), một lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm).

Tuy nhiên, để thu hút đối tượng chính trong thời gian tới là lao động khu vực phi chính thức, ông Trần Hải Nam cho biết, từ 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể mức hỗ trợ sẽ bằng 30% đối với người thuộc diện nghèo; 25% đối với người thuộc diện cận nghèo; 10% đối với các đối tượng còn lại.


Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn