"Thảm kịch Itaewon" vừa xảy ra ở lễ hội Halloween ở quận Itaewon (thủ đô Seoul, Hàn Quốc) tối 29/10 khiến ít nhất 154 người chết và hàng trăm người bị thương.
Trên thế giới, nhiều thảm họa tương tự vụ việc ở Itaewon đã xảy ra. Mới đây nhất, tối 1/10/2022, trong một trận bóng đá ở Indonesia, do đội chủ nhà bị thua sau 23 năm bất bại trên sân nhà, khán giả đã tràn vào sân yêu cầu ban huấn luyện giải thích lí do. Lúc này, cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán khiến đám đông mất kiểm soát và việc giẫm đạp, xô đẩy xảy ra khiến 131 người chết. Kết quả pháp y cho thấy họ chủ yếu chết ngạt vì thiếu oxy.
Nhiều lễ hội diễn ra trên khắp thế giới. Lễ hội thường là nơi mọi người tập trung vui chơi, giải trí. Việc tụ hội đông người như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mà các vụ việc kể trên là minh chứng đau lòng.
Vậy, làm gì để sống sót nếu rơi vào đám đông hỗn loạn, xô đẩy, giẫm đạp nhau như trong "thảm kịch Itaewon"?
Nguyên nhân tử vong chủ yếu do ngạt thở
Nhận định về nguyên nhân gây tử vong trong các đám đông hỗn loạn như vụ việc xảy ra ở Itaewon, trả lời trên báo Người lao động, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 (TP HCM) - cho rằng thường là do nghẹt thở.
Theo bác sĩ Long, người trong đám đông xô đẩy, chen lấn sẽ bị chèn ép quá mức khiến phổi thiếu oxy không thở được. Bên cạnh đó, đám đông xô lấn bị ngã sẽ dẫn đến giẫm đạp. Lúc này, nạn nhân vừa bị thương vừa nghẹt thở. Khi rơi vào tình huống này, nạn nhân dễ hoảng loạn, sợ hãi. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nghẹt thở trầm trọng hơn.
Đồng quan điểm, trên báo điện tử Chính phủ, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, theo một nghiên cứu về vụ việc 37 người chết trên cây cầu ở Trung Quốc, trong đó 28 trong số 37 người chết là nữ giới, kết quả giám định pháp y cho thấy tất cả nạn nhân đều bị ngạt cơ học, tức là có sự chèn ép khiến họ không thể thở nổi. Chấn thương xương rất hiếm, chỉ có một người bị gãy nhiều xương sườn, một người gãy xương hàm dưới. Tổn thương phần mềm tập trung nhiều ở các vùng theo thứ tự: Đầu, tay chân, ngực, bụng, thắt lưng. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, sở dĩ trẻ em và phụ nữ chết nhiều nhất, vì thể trạng mỏng manh yếu ớt. Trẻ em và phụ nữ có sự liên quan đến chiều cao cơ thể, càng thấp lùn càng dễ bị chết.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, con người muốn thở được thì phải có sự tham gia của cơ hoành, rồi đến cơ liên sườn. Khi đám đông ép chặt lồng ngực và bụng, thì lồng ngực không thể mở ra, cơ hoành không thể di động, dẫn tới không thở được và tử vong.
Những nhân chứng trong vụ Itaewon kể lại, họ đều bị dồn nén không sao thở được và nhìn thấy cái chết đến nơi.
Làm gì để bảo toàn mạng sống?
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, một đám đông gọi là nguy hiểm khi có bất kì dấu hiệu nào sau đây: không có sự tổ chức; nhiều hơn 4 người trên 1 m2; cảm thấy có những người khác ép vào mình. Gặp các đám đông nguy hiểm như vậy thì cần phải tránh xa hoặc thoát ra ngay lập tức nếu không muốn bị mất mạng.
Khi bước vào một đám đông, điều quan trọng là phải quan sát lối thoát, đánh giá sự an toàn. Trường hợp đang ở trong đám đông nguy hiểm, thì cần phải nắm được một số nguyên tắc căn bản, để bảo vệ bản thân mình an toàn. Đó là không di chuyển ngược chiều đám đông bởi rất dễ bị xô ngã xuống đất, khi đó sẽ bị giẫm đạp và có thể bị chấn thương nguy hiểm.
Ngoài ra, luôn giữ cho đôi chân của mình thật vững. Thấy đám đông nguy hiểm, thì dù có bị tuột giày dép, cũng không được nhấc một chân lên hoặc cúi xuống để buộc dây, vì làm như vậy sẽ bị xô ngã. Khi đám đông tiến về phía mình thì phải tránh xa, nhưng không được chạy, vì chạy dễ bị vấp ngã.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long chỉ cách giữ an toàn khi ở trong đám đông nguy hiểm: Nếu rơi vào tình huống bị chen lấn thì cần co hai tay trước ngực để di chuyển giống như vận động viên quyền anh phòng thủ. Điều này tạo khoảng trống ở lồng ngực giúp dễ thở. Nếu đám đông di chuyển thì cần nương theo và đi xéo để rời ra vòng ngoài bằng cách tìm những vị trí định sẵn như tòa nhà, gốc cây lớn... Không cố gắng đi ngược lại đám đông để tìm đồ hay tìm người thân nếu lỡ thất lạc vì lúc này càng nguy hiểm.
Nếu bị ngã xuống đất thì cố gắng đứng lên nhanh nhất có thể. Nếu không thể đứng dậy thì hãy cuộn tròn người như quả bóng, tay ôm đầu giúp bảo vệ bụng và phổi để thở. Khi rơi vào tình huống này thì đừng cố gắng la hét mà cần phải bình tĩnh.
Bác sĩ Long khuyến cáo, những người mắc bệnh tim mạch hay trẻ em thì không nên vào đám đông có nhiều tiếng ồn hoặc quá đông vì thiếu oxy sẽ khiến bệnh trầm trọng. Bên cạnh đó, đối với người nữ, khi xảy ra các tình huống xô đẩy, hỗn loạn, họ dễ mất bình tĩnh hơn nam. Do đó, không la hét, cố gắng giữ bình tĩnh, nó giúp ta có sự phán đoán chính xác và hành động phù hợp nhất để cứu mạng mình và những người thân bên cạnh.