Làm gì để sách đến gần hơn với độc giả?

27-05-2017 12:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không dễ dàng, lại còn khá tốn kém - về mọi phương diện - vì thế cần ghi nhận sự cố gắng của các nhà xuất bản trong việc giới thiệu những đứa con tinh thần của mình đến với đông đảo bạn đọc.

Không dễ dàng, lại còn khá tốn kém - về mọi phương diện - vì thế cần ghi nhận sự cố gắng của các nhà xuất bản trong việc giới thiệu những đứa con tinh thần của mình đến với đông đảo bạn đọc. Thời hiện đại mà, đâu chỉ có in sách xong là... xong đâu.

Tháng tư năm ngoái, tại Hội sách lớn chào mừng Ngày Sách Việt Nam, NXB Kim Đồng đã tổ chức cuộc giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa nhân ra mắt Tuyển thơ của ông. Sau buổi giao lưu, rất đông độc giả đã mua thơ và kiên nhẫn xếp hàng chờ xin chữ ký của tác giả trong cái nắng đầu hè oi bức - một hình ảnh chỉ thấy trong thời bao cấp ở Việt Nam với những món hàng phân phối theo tem phiếu. Nếu chỉ nhìn vào đó mà kết luận độc giả thời bây giờ vẫn mê đọc sách thì không chuẩn lắm. Thế nhưng có điều chắc chắn là người đọc thực ra không quay lưng lại với văn học, không hẳn có vấn đề về văn hóa đọc như lo lắng bấy lâu của nhiều người, miễn là các nhà làm sách tìm được con đường để  “show” với công chúng những giá trị đích thực.

Ba áng mây trôi dạt xứ bèo - Tiếp cận chiến tranh Việt Nam theo một cách rất hiếm

Cuốn sách được giải Coup de coeur du comité de lecture tại Pháp (tác phẩm được người đọc yêu thích). Tác giả - chị Hồng Vân - một trong “ba áng mây”  đã đề nghị NXB Trẻ dịch ra tiếng Việt và in tại Việt Nam. Cuốn sách này ban đầu chị Vân chỉ định viết cho riêng mình. Tôi phải viết vì trong lòng xao động, nhiều đau đớn tổn thương như rơi vào hố đen. Muốn trút khỏi lồng ngực những điều đó. Nhưng đã tìm được sự bình an trong tâm hồn sau khi viết cuốn sách.

Ra mắt sách Ba áng mây trôi dạt xứ bèo.

Ra mắt sách "Ba áng mây trôi dạt xứ bèo" (từ trái qua :Nhà văn Trương Quý, Tác giả Hồng Vân, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp)

Tại cuộc ra mắt sách chị cho biết, tiếng Việt hay Pháp chỉ là phương tiện. Chị viết nhìn qua trái tim. Viết bằng tiếng Pháp giúp chị có độ lùi nhất định về cảm xúc bởi vì viết ra được thật sự không dễ. Ban đầu tác giả để ngôi thứ nhất, sau để ngôi thứ ba thì viết được vì cảm giác viết về người khác, nó qua được sự xúc động quá lớn. Sách được bạn đọc tại Pháp và châu Âu đón nhận, bởi cái cách tiếp cận chiến tranh Việt Nam theo một cách rất hiếm. Đã có không ít tác phẩm văn học viết về Việt Nam thời chiến tranh do người gốc Việt viết nhưng hầu hết ở phía Nam. Ở đây là một câu chuyện về tuổi thơ của một bé gái, giữa không gian đặc trưng của miền Bắc. Cô bé con ấy kể lại những trải nghiệm của 3 chị em, bị bứng khỏi Hà Nội để đi sơ tán, khám phá thế giới xung quanh và chính mình khi phải xa cha mẹ, trong một hoàn cảnh quá đặc biệt. Một câu chuyện làm bủn rủn tim của bất cứ ai có tuổi thơ trong khoảng 1966-1974. Và có lẽ là của tất cả những ai từng là một bé gái.

Cuộc ra mắt sách của NXB Trẻ đầu tháng 5 vừa rồi là một hội ngộ của nhiều sự xúc động. Tác giả Hồng Vân từ Pháp bay về cùng với con gái. Trong khán phòng có cả mái tóc bạc trắng của NSND Thái Thị Liên, mẹ của nghệ sĩ piano danh tiếng Đặng Thái Sơn năm nay đã tròn 100 tuổi. Chương trình bắt đầu bằng clip những hình ảnh: Chặng đường sơ tán, những bức phác chì guốc gỗ - mũ và nùn rơm của ông bố “ba áng mây” - một bác sĩ sản, trên nền giọng hát Em đi trong tươi xanh/ Thơm hương lúa bay quanh/ Rừng vàng ngân tiếng hát của NSND Như Quỳnh thời còn là một cô bé... dọn đường cho tâm trí bạn đọc cảm được cái không khí của một thời chiến tranh. Với những người đã sống qua thời đó, tôi tin là sự xúc động ít nhất được nhân đôi. Những người tổ chức đã tìm ra một chất xúc tác hiệu quả để người đọc dễ dàng hơn thẩm thấu tác phẩm.

Nhà văn Trương Quý, một trong những người trực tiếp “làm” cuốn sách cho biết, bản dịch của Quỳnh Lê đã chuyển tải khá tốt, có lẽ vì dịch giả cũng là một cô gái xuất thân từ Hà Nội và đã sống trong nền văn hóa Pháp ngữ của thế hệ hòa bình. Còn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì kể rằng khi đọc chị cảm giác mình không phải đang ngoài 30 mà như thể đang chơi game nhập vai và cũng trở thành một áng mây không rõ màu gì. Nhận định rằng đây là một cuốn sách viết chính xác về tâm trạng của các bé gái, đầy trong trẻo, Điệp đã giới thiệu cuốn sách cho các bạn gái và những ai có con gái cũng như quan tâm con đọc gì.

Mời hẳn hai hoa hậu đến để giới thiệu sách Thời trang là thế

Đây hẳn là cuốn cẩm nang công phu nhất về thời trang mà bạn đọc Việt có cơ hội được tiếp cận. Bạn sẽ được làm quen với những tên tuổi lớn nhất thế giới như Dior, Chanel, Yves Saint Laurent... Gần 300 trang sách đưa bạn đọc tìm hiểu những trang sử đầy mê hoặc của ngành thời trang, từ phong cách tao nhã đầu thế kỉ 20 đến các nhà tạo mẫu nổi bật, những huyền thoại sống của làng mốt. Nếu chưa tự tin về gu thẩm mĩ của mình, bạn cũng có thể tham khảo tủ trang phục của một cô gái với những món đồ cơ bản, bỏ túi một vài bí kíp phối đồ hay lựa chọn phụ kiện để tỏa sáng ở bất cứ nơi đâu! Cuốn sách cập nhật các xu hướng mới nhất, những địa chỉ đắt đỏ nhất thế giới: Paris - Đại lộ Montaigne; New York - Đại lộ số 5; London - phố Oxford; Milan - Tứ giác vàng; những đại sứ thương hiệu nổi tiếng...

Sách hấp dẫn. Càng hấp dẫn hơn bởi vì NXB Kim Đồng đã mời đến cuộc giới thiệu sách hai hoa hậu, đồng thời cũng là hai nhà thiết kế thời trang. Đó là cơ hội để độc giả gặp gỡ và trò chuyện với Hoa hậu Pháp 2014 Flora Coquerel, Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân về con đường đến với thời trang, những chặng đường đến với vương miện Hoa hậu và bí quyết để tỏa sáng với vẻ đẹp của chính mình. Người dẫn dắt chương trình thú vị này là bà Eva Nguyễn Bình, tân Đại sứ Pháp tại Campuchia. Bà là người Pháp gốc Việt, từng làm Tham tán Hợp tác và Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam khi chồng bà, ông Jean-Noel Poirier làm Đại sứ Pháp tại Việt Nam giai đoạn 2012-2016.

Những câu chuyện hấp dẫn của hai khách mời Hoa hậu và  bà Eva Nguyễn Bình đã làm cho bạn đọc hiểu hơn về mục đích mà cuốn sách hướng tới: Thời trang không có giới hạn, nó dành cho tất cả mọi người và mọi gu thẩm mĩ. Với nhiều người, đó có thể là một sự thay đổi trong nhận thức.
Ra mắt sách "Thời trang là thế" (từ trái qua : Bà Eva Nguyễn Bình, Hoa hậu Ngọc Hân, Hoa hậu Flora Coquerel)

Cô gái trong mạng nhện - nối dài câu chuyện trinh thám hấp dẫn

Ra mắt độc giả từ năm 2005, bộ trường thiên tác phẩm Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa cùng Cô gái chọc tổ ong bầu của tác giả Stieg Larsson đã tạo nên một cơn địa chấn với hơn 80 triệu bản trên toàn cầu và vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. 10 năm sau, độc giả lại háo hức khám phá cuộc điều tra mới của cặp đôi nhà báo Mikael Blomkvist và hacker Lisbeth Salander, dưới ngòi bút của David Lagercrantz, với tựa đề Cô gái trong mạng nhện. Tác phẩm nối dài này đã nhanh chóng càn quét các bảng xếp hạng uy tín và tiêu thụ được hơn 8 triệu bản trong năm 2015.

Một cuốn sách hấp dẫn như thế nhưng làm thế nào để nó đến được với đông đảo bạn đọc Việt Nam, khỏi uổng công cả một êkíp từ người dịch đến nhà xuất bản... NXB Phụ nữ đã làm gì để giới thiệu cuốn sách hấp dẫn này với báo giới và qua đó là với độc giả? Trên sân khấu giao lưu, không chỉ có dịch giả Hoàng Anh, họa sĩ Dũng Choai, nhà văn DiLi - với vai trò MC mà còn có Pereric Högberg - tân Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam. Là đại sứ của một quốc gia, phải lo trăm công nghìn việc trọng đại, từ chính trị đến kinh tế bang giao, lại đích thân đến một buổi giao lưu về một cuốn sách trinh thám. Đủ hiểu, sách có một tầm quan trọng như thế nào. Thú vị khi ngài đại sứ cung cấp chi tiết “độc”: Nhà văn Stieg Larsson bị nhồi máu cơ tim chết bất ngờ. Ông đang viết dở cuốn thứ tư, được 320 trang. Bản thảo hiện nằm trong tay bà Eva, người bạn đời chưa kịp làm đám cưới. Do những sự phức tạp nên bản thảo còn trong vòng bí mật. Số phận tác giả Cô gái có hình xăm rồng... xem ra li kì có phần còn hơn nhân vật trong tiểu thuyết. Khi còn sống đôi tình nhân luôn phải mang theo vũ khí, không dám làm đám cưới..

Ngài đại sứ còn cung cấp cho độc giả chi tiết rằng bản tiếng Anh của Cô gái trong mạng nhện bị chỉ trích do cắt xén quá nhiều. Bản gốc tiếng Pháp có nhiều mô tả bối cảnh, nhân vật do đó người đọc dễ theo dõi hơn. Bởi vậy, cần ghi nhận sự công phu của dịch giả Hoàng Anh, khi anh cho biết mặc dù dịch từ bản tiếng Anh, do ngôn ngữ Anh trực diện phù hợp với trinh thám. Nhưng khi so 2 bản thì thấy bản tiếng Anh đã có sự biên tập mạnh tay, có sự đảo đoạn, dịch giả đã đối chiếu và bổ sung.

Ra mắt sách "Cô gái trong mạng nhện " (từ trái qua : Nhà văn DiLi, Họa sĩ Dũng Choai, Dịch giả Hoàng Anh, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg)

Nghe chuyện hậu trường là ngài đại sứ dành thời gian thích đáng để trao đổi với NXB, dịch giả... Thế mới hiểu vì sao một đất nước dân số không đầy 10 triệu người mà âm nhạc thì có ABBA, điện ảnh thì Greta Garbo, Ingrid Bergman, văn chương thì Astrid Lindgren (Pippi tất dài), Stieg Larsson (Cô gái có hình xăm rồng)...

Đi ra mắt sách mà biết được Thụy Điển nước nhỏ, dân ít, mùa đông lại kéo dài, từ tháng 11 đến tháng 4 lạnh và tăm tối, cuộc sống khắc nghiệt nên người dân chỉ biết tập trung lao động và sáng tạo. Ngài đại sứ cho biết thêm, ở đất nước Bắc Âu này mọi người tự do nói ra, viết ra những gì mình nghĩ, dù khác biệt. Cởi mở, chấp nhận khác biệt, chấp nhận thất bại, đó là bí quyết để thành công. Mặc dầu bộ trường thiên tiểu thuyết trinh thám này phơi bày những mặt trái của xã hội Thụy Điển nhưng nó vẫn là best- seller. Ông còn cho biết, cuốn sách giúp Stockhom tăng trưởng về du lịch. Có tour thăm quan những địa danh trong cuốn sách.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn