Làm gì để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em?

18-04-2018 08:56 | Đời sống

SKĐS - Dư luận không khỏi bức xúc và nhức nhối vì những thông tin liên quan đến các vụ xâm hại tình dục ở trẻ em.

Bởi lẽ, trẻ em bị xâm hại tình dục phải chịu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần và phát triển con người. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ trẻ trước vấn nạn này?

Hậu quả của lạm dụng tình dục trẻ em

Trẻ em là đối tượng đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Do đó, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em - nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Bản thân trẻ phải gánh chịu những tổn thương về sức khỏe, tinh thần, đặc biệt là ảnh hưởng tâm lý đến suốt cuộc đời của trẻ.

Các tổn thương về sức khỏe

Xâm hại tình dục ở trẻ em gây ra những tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục: Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục; các tổn thương thể chất khác: đau bụng, đau đầu, mất ngủ… Những trường hợp xâm hại tình dục đi kèm với bạo lực có thể dẫn tới tử vong, bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Với các em nữ việc bị xâm hại tình dục có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi (vì cơ thể các em chưa phát triển hoàn chỉnh). Ngoài ra, xâm hại tình dục trẻ em gây ra nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau.

Làm gì để phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em?Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Các tổn thương về tinh thần

Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai cuộc đời của đứa trẻ sau này. Trẻ dễ bị mặc cảm và khó hòa nhập với xã hội. Xâm hại tình dục như một sang chấn tâm lý ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại…). Một phần do xấu hổ, một phần do bị kẻ lạm dụng đe dọa nên các em không dám thổ lộ cùng ai. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Do đó, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần.

Cần làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục?

Để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em nói riêng trước tiên cần sự phối hợp và hỗ trợ đồng bộ cả các ban ngành tổ chức xã hội và cộng đồng; cần quan tâm công tác tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực; kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã; xây dựng và thực hiện đề án bố trí, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.

Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết. Chúng ta có thể liên hệ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567. Đây là địa chỉ tư vấn, giúp đỡ và hỗ trợ tin cậy; miễn phí cho người gọi trên toàn quốc, từ  7 giờ đến 21 giờ tất cả các ngày. Gọi 113 (miễn phí) hoặc đến các trụ sở công an gần nhất trình báo, yêu cầu giúp đỡ, bảo vệ và tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em hoặc liên hệ với các trạm y tế, bệnh viện ở địa phương, nơi trẻ sẽ nhận được sự chăm sóc, điều trị thích hợp của các y, bác sĩ chuyên khoa. Việc triển khai các hoạt động tư vấn trị liệu tâm lý cho trẻ và gia đình nạn nhân trong các vụ xâm hại cũng cần phải được coi trọng.

Ngoài ra, trong công tác phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em cũng rất cần sự phối hợp giữa trẻ và gia đình. Gia đình và nhà trường cần cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính. Có thể dạy cho trẻ em biết rằng không ai được chạm vào “chỗ riêng tư” của trẻ. Dạy cho trẻ biết những hành vi lạm dụng tình dục là phạm pháp và quyền mình được bảo vệ và tự bảo vệ. Dạy cho trẻ hiểu thân thể là “tài sản riêng” của chúng. Trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu. Cha mẹ không nên né tránh mà cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị. Khuyến khích con đặt câu hỏi về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống cũng như câu hỏi về những vấn đề sâu kín. Bên cạnh đó, bố mẹ cần cố gắng tìm hiểu và hòa đồng với bạn bè của con, vì qua đó bố mẹ có thể có được những thông tin cần thiết. Cần dạy trẻ không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ. Trang bị cho con biết cách phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu.


ThS tâm lý Nguyễn Như Phương
Ý kiến của bạn
Tags: