Hà Nội

Làm gì để phòng bệnh cúm?

28-02-2018 14:02 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh cúm đang hoành hành khắp nước Mỹ và một số nước khác, mặc dù chúng ta ở rất xa họ nhưng giao thông đi lại của con người hiện nay có thể diễn ra hàng ngày, hàng giờ, vì vậy, việc lây nhiễm virut cúm là rất lớn. Cần làm gì để phòng bệnh cúm nguy hiểm này?

Tình hình mắc bệnh cúm

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và 20-30% trẻ em mắc cúm trên thế giới. Trong đó có khoảng 3-5 triệu trường hợp nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong. Tại nước ta, các trường hợp mắc bệnh cúm có xu hướng gia tăng vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân.

Vụ dịch cúm hiện nay tại Mỹ là loại cúm H3N2 (độc lực rất mạnh và rất nguy hiểm), hay còn có tên gọi là cúm Aussie vì nó đã xuất hiện lần đầu tiên ở Úc nhưng lần quay lại này đang để lại hậu quả khủng khiếp hơn rất nhiều. Hiện tại, cúm H3N2 được đánh giá là rất nguy hiểm, thậm chí hơn cả cúm Swine (H1N1) đã làm chết hơn 300.000 người vào năm 2009 và mức độ bùng phát dịch lần này có thể không thua kém gì dịch cúm tương tự ở Tây Ban Nha vào năm 1918, làm chết hơn 50 triệu người. Ở thời điểm hiện tại, dịch cúm H3N2 đang bùng phát dữ dội ở rất nhiều nơi trên thế giới như Úc, Anh, Mỹ, Hồng Kông... Số nạn nhân tử vong vì mắc cúm H3N2 cũng rất đáng báo động. Riêng ở Anh, theo số liệu của Tổ chức Y tế Công cộng Anh cho biết, mùa cúm năm nay đã có 4.128 trường hợp cúm, tính đến ngày 14/01/2018. Ở Mỹ đã có 36 tiểu bang đang có dịch cúm nguy hiểm này và đã có gần 40 trường hợp tử vong. Hiện tại, dịch cúm đang xảy ra đặc biệt nghiêm trọng ở bang California với 27 ca tử vong, chủ yếu là người trên 65 tuổi. Ngoài ra, Texas cũng là bang có tốc độ lây lan dịch cúm nhanh nhất trong vài tuần qua.

Virut cúm có thể tồn tại hàng giờ bên ngoài môi trường, đặc biệt là trong thời tiết lạnh và độ ẩm thấp, do vậy mức độ lây lan càng tăng cao. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết do ho khạc, hắt hơi hoặc dính trên các vật dụng.

Khi nghi ngờ mắc cúm cần đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người khác.   Ảnh: TM

Khi nghi ngờ mắc cúm cần đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người khác. Ảnh: TM

Đối tượng dễ mắc cúm H3N2

Theo các chuyên gia y tế thế giới, loại cúm H3N2 nguy hiểm này có thể tấn công bất kỳ ai, đặc biệt đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử bệnh suyễn, tiểu đường và tim mạch nếu mắc phải cúm H3N2 nguy cơ tử vong cũng cao hơn các đối tượng khác.

Triệu chứng và biến chứng nguy hiểm khi mắc phải cúm H3N2

Diễn biến của bệnh cúm H3N2 với các biểu hiện sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, đau cơ, sổ mũi, ho... Do đó, những trường hợp mắc cúm đầu tiên bị tử vong do chẩn đoán nhầm sang bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc do cảm và chỉ được uống thuốc kháng sinh. Thông thường người bệnh có thể hồi phục sau từ 2-7 ngày, nhưng đối với người lớn tuổi, trẻ em, người mắc bệnh về thận, thiếu máu, tim phổi hay suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong.

Những biến chứng nguy hiểm hay gặp nhất của bệnh cúm  H3N2 là viêm phổi, nhiễm trùng máu và tử vong bất ngờ, đặc biệt là trẻ nhỏ, người cao tuổi sức yếu.

Cần làm gì để phòng bệnh cúm H3N2?

Để phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả, mọi người vẫn phải chủ động nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời nhớ mang khẩu trang đầy đủ khi ra đường và hạn chế tiếp xúc với người nghi đang bị cúm để tránh nguy cơ rước bệnh nguy hiểm vào người.

Những người đi từ các nước hiện đang có dịch cúm H3N2, đặc biệt là Mỹ cần khai báo với cơ quan y tế ngay từ sân bay khi đặt chân xuống Việt Nam. Những người này khi trở về nhà hay cơ quan nếu thấy dấu hiệu bất thường (sốt, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi...) cần đến cơ quan y tế khám ngay và khai báo vừa đi nước ngoài về (đặc biệt là Mỹ) để được cơ quan y tế theo dõi sức khỏe cẩn thận hơn. Khi thấy cần thiết, cơ quan y tế sẽ cách ly để theo dõi và điều trị kịp thời. Đây là việc làm vừa mang tính nhân đạo vừa mang tính cộng đồng cao, vì vậy, người vừa ở nước ngoài về hay người nước ngoài vừa đến Việt Nam từ Mỹ nên tuân theo quy định và nên ủng hộ nhiệt tình, không gây cản trở cơ quan y tế.

Khi nghi ngờ mắc bệnh cúm, cần đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác và nên đi khám bệnh để xác định một cách chắc chắn, trên cơ sở đó được điều trị đúng, sớm nhằm làm cho bệnh chóng khỏi và tránh biến chứng. Để phòng bệnh cúm, tốt nhất là tiêm vắc-xin.


BS. Mai Hương
Ý kiến của bạn