Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, chính quyền hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đang nuôi trồng, nghiên cứu sâm Ngọc Linh do Báo Nhân dân phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 12/6 nhằm tập trung đánh giá thực trạng về nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển cây sâm và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp thiết thực phát triển sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn; phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh…
Những rào cản đối với sự phát triển của sâm Ngọc Linh
Báo cáo tại hội thảo về thực trạng phát triển sâm Ngọc Linh, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030 với diện tích 15 nghìn hec-ta. Hiện nay, đã hình thành hai trạm bảo tồn, nuôi trồng và lưu giữ nguồn gien và phát triển sâm Ngọc Linh với diện tích gần 20 héc-ta, gần 230 nghìn cây giống gốc, hằng năm sản xuất được từ 50 đến 60 nghìn cây sâm giống. Tỉnh Quảng Nam có kế hoạch đầu tư mở rộng vườn giống gốc tại trạm này trong thời gian tới. Hiện đã có có hơn 10 dạng sản phẩm chế biến từ cây sâm cung ứng ra thị trường.
Tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, chính quyền cũng đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Tỉnh Kon Tum quy hoạch 31.742 héc-ta, trong đó, diện tích vùng lõi trồng sâm khoảng 9.343 héc- ta trải rộng trên tám xã. Dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng sâm trên địa bàn đạt một nghìn héc- ta, sản lượng 190 tấn. Đến 2025, trồng hết diện tích đất vùng lõi với quy mô công nghiệp, hằng năm khai thác 800 héc-ta. Khi diện tích được mở rộng sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Kon Tum và đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm tinh chế từ cây sâm để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy việc bảo tồn, phát triển sâm, sản xuất các sản phẩm từ sâm đã có bước phát triển nhưng kết quả còn hạn chế, chưa phát huy được thế mạnh của vùng. Hiện các vùng quy hoạch chưa đủ cây giống để phát triển mở rộng, sản phẩm chế biến sâu từ cây sâm chưa nhiều, chủ yếu là sản phẩm thô.
Tại hội thảo, UBND tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đều cho rằng, nguyên nhân do nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức. Việc nhân giống hiện nay chủ yếu theo phương pháp truyền thống, cho nên không đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất; tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn còn thấp, cản trở việc hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa, ít có sư tham gia của các nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân. Chi phí đầu tư cho sản xuất sâm Ngọc linh lớn (khoảng năm- sáu tỷ đồng/héc-ta) nên người trồng khó đầu tư.
Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến các sản phẩm sâm để còn hạn chế, doanh nghiệp ít quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến bảo quản nên chưa phát huy hết cộng dụng, giá trị của sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh còn bị ảnh hưởng thương hiệu do tình trạng sâm giả trên thị trường chưa được kiểm soát...
Các đại biểu tham dự hội thảo Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh
Phối hợp liên bộ để thực hiện "giấc mơ" du khách đến Việt Nam mua sâm Ngọc Linh
Theo Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích sản xuất nông nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng, nhưng do nhiều yếu tố mà cây dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó.
Ông Nguyễn Như Cường, nhận định, việc sâm Ngọc Linh được bổ sung là sản phẩm quốc gia là cú hích cho sâm Ngọc Linh và những khó khăn lâu nay trong phát triển sâm Ngọc Linh sẽ được giải quyết. Đây là tin vui cho người trồng sâm, hy vọng, trong tương lai du khách sẽ đến Quảng Nam, Kon Tum mua sâm Ngọc Linh. Các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp về xây dựng giống chuẩn sẽ được Cục Trồng trọt sớm nghiên cứu, thực hiện các phần việc trong thẩm quyền hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện sản phẩm quốc gia cho cây sâm. Để thực hiện “giấc mơ” du khách đến Việt Nam mua sâm Ngọc Linh, sắp tới hai bộ sẽ phối hợp nghiên cứu sản xuất giống bảo đảm chất lượng và đáp ứng số lượng để phát triển quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để giải quyết những khó khăn hiện nay của phát triển sâm Ngọc Linh, Bộ Y tế sẽ sớm triển khai xây dựng và thực hiện các đề án phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến sâm Ngọc Linh, đồng thời phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Thủ tướng Chính phủ các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù đối với sâm Ngọc Linh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 787/QĐ-TTg về việc bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia.
"Bộ Y tế sẽ khẩn trương xây dựng và bổ sung các chính sách tạo điều kiện cho việc sản xuất, đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng, đấu thầu, thanh toán bảo hiểm y tế đối với cây sâm và thuốc từ sâm Ngọc Linh; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giống, loài sâm Ngọc Linh nhằm phát hiện giống, loài giả, không đạt tiêu chuẩn; xây dựng các chuyên luận về tiêu chuẩn chất lượng của giống sâm Ngọc Linh và các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh để làm cơ sở cho các đơn vị trong quá trình phát triển sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm; tăng cường tổ chức quảng bá cho sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh…"- Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói