Làm gì để phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam ?

29-03-2018 21:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Để phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam thì điều quan trọng đầu tiên là cần xây dựng một chuỗi giá trị khởi đầu từ cộng đồng...

 

Tại Tọa đàm “Kinh tế Dược liệu Việt Nam trên nền tảng Văn hóa Thảo dược” do Bộ môn Thực vật – Trường ĐH Dược Hà Nội tổ chức ngày 28/3, PGS.TS Trần Văn Ơn- Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội chia sẻ, lâu nay nhiều người thường nghĩ thảo dược chỉ được dùng để làm thuốc.

Tuy nhiên ngoài phát triển dược liệu theo cách truyền thống là sản xuất dược liệu cho y học cổ truyền, công nghiệp dược,… dựa trên các cách làm tại các địa phương, còn có thể có hướng nữa đó là phát triển dược liệu gắn với du lịch, dựa trên khai thác lợi thế so sánh về đa dạng sinh học, cảnh quan và văn hóa các dân tộc bản địa. Để phát triển theo hướng này, cần mở rộng khái niệm các sản phẩm có thể tạo ra từ thảo dược – văn hóa – cảnh quan.

PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, để phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam thì điều quan trọng đầu tiên là cần xây dựng một chuỗi giá trị khởi đầu từ cộng đồng, nghĩa là người dân là chủ thể và chia sẻ lợi ích. Khi người dân đứng lên là chủ thể rồi thì sẽ hình thành các doanh nghiệp, các hợp tác xã để thực hiện các vùng đất đó phát triển gắn với văn hóa, gắn với cộng động… Đây là mắt xích thứ nhất của chuỗi.

Buổi toạ đàm “Kinh tế Dược liệu Việt Nam trên nền tảng Văn hóa Thảo dược”có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp…

Mắt xích thứ hai của chuỗi là nó sẽ đi đến các khu du lịch và gắn với các doanh nghiệp du lịch. Chuỗi tiếp theo là bán sản phẩm đến các doanh nghiệp lớn, các “doanh nghiệp cái sẽ phân phối ra sản phẩm lớn hơn. Các chuỗi này phải gắn với du lịch – văn hóa – thảo được. Tiếp đến là cần phải xây dựng vườn cây thuốc quốc gia.

"Ở các vùng có tiềm năng du lịch thì chúng ta phát triển dược liệu gắn với trục đó để tạo ra các điểm dừng chân, kết nối các điểm trồng dược liệu ở đó để vào thăm quan, trải nghiệm… du khách thích thì mua hàng. Như vậy sẽ có một chuỗi các hệ thống điểm dừng chân liên quan đến văn hóa thảo dược – du lịch"- PGS.TS Trần Văn Ơn nhấn mạnh.

Tham dự buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến bàn thảo để phát triển kinh tế dược liệu Việt Nam dựa trên nền tảng văn hóa thảo dược cần hình thành các mô hình phát triển vùng trồng, chế biến, sản xuất tại cộng đồng, các điểm dừng chân, các vườn thảo dược,… gắn với du lịch (văn hóa, trải nghiệm, nghỉ dưỡng/chữa bệnh,…)

Hình thành các chuỗi giá trị, khởi đầu từ các doanh nghiệp tại cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp chủ chốt để kéo dài chuỗi giá trị; Liên kết với các doanh nghiệp du lịch tạo ra các chuỗi sản phẩm sản phẩm dược liệu sạch/hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn; Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm; Đào tạo nghiệp vụ trong chuỗi giá trị…

Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo trường Đại học Dược Hà Nội cũng cho biết, qua hơn 15 năm triển khai định hướng học thuật, hệ thống phát triển thảo dược tại cộng đồng của Bộ môn Thực vật kết hợp với công ty dược đã hình thành các mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị khác nhau như: Mô hình Vườn cây thuốc gắn với Trọng tâm du lịch; Mô hình doanh nghiệp cộng đồng gắn với du lịch trải nghiệm và sản xuất đặc sản địa phương; Mô hình doanh nghiệp trồng và cung cấp Dược liệu chuẩn GACP-WHO cho sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Mô hình tư vấn phát triển sản phẩm từ đặc sản địa phương; Mô hình phân phối bán hàng các sản phẩm bản địa.

Các mô hình thực tế đã được xây dựng thành công bước đầu và đạt được mục tiêu tài chính, phát triển hệ thống sản phẩm, hệ thống quản lý. Tuy nhiên để kết nối, hoàn thiện cũng như phát triển tối đa các mô hình và chuỗi giá trị với nhau, cần có thêm nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác du lịch lữ hành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cùng bắt tay xây dựng.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn