1. Tình hình trẻ em mắc viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân trên thế giới
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo đầu tiên về hiện tượng xuất hiện nhiều trường hợp viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở những trẻ em mà trước đó các trẻ em này vẫn khỏe mạnh từ Vương quốc Anh vào ngày 5 tháng 4 năm 2022.
Tính đến ngày 7/5, có khoảng 300 trẻ mắc viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở 20 nước, trong đó có 9 trẻ tử vong.
Bệnh xảy ra ngay ở trẻ còn rất nhỏ (từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi). Tuy vậy, hầu hết bệnh nhi được phục hồi hoàn toàn, chỉ có một số trường hợp chuyển nặng, đặc biệt có gần 10% phải ghép gan.
2. Biểu hiện chính của viêm gan cấp tính ở trẻ
Theo thống kê của WHO, các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt và đa số trong số bệnh nhi không sốt.
WHO cho rằng đợt viêm gan cấp tính ở trẻ lần này không phải do virus viêm gan mà có thể do một loại virus khác. Các nhà khoa học đã xác định bằng các kết quả xét nghiệm ban đầu đã loại trừ bệnh lý viêm gan cấp tính này không phải do virus A, B, C, D và E cũng như các nguyên nhân đã biết khác của viêm gan cấp tính. Và như vậy, có thể do một loại virus khác được đặt vấn đề nghi vấn là tác nhân gây bệnh, đó là Adenovirus.
Lý do là, các trường hợp trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp tính đã được thống kê xảy ra tại những nơi có sự lưu hành cao virus Adeno (virus gây bệnh đường hô hấp). Trong quá trình xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính này, Adenovirus đã được phát hiện trong 74 trường hợp (chiếm tỷ lệ khá cao), khi làm xét nghiệm sinh học phân tử chuyên sâu đã có 18 trường hợp được xác định thuộc type F 41.
Ngoài sự nghi vấn do Adenovirus, các nhà nghiên cứu cũng xác định có 20 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có tới 19 trường hợp vừa nhiễm SARS-CoV-2 và vừa nhiễm Adenovirus.
Tại Anh, nơi có phần lớn các trường hợp viêm gan cấp được báo cáo cho đến nay, mới đây cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm Adenovirus trong cộng đồng (được phát hiện qua giám sát virus trong các mẫu phân ở trẻ em); Hà Lan cũng báo cáo có sự gia tăng lưu hành Adenovirus trong cộng đồng tương tự.
Tuy nhiên, vấn đề vai trò của Adenovirus trong bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em có lẽ còn phải được nghiên cứu kỹ hơn nữa mới có thể kết luận một cách chắc chắn. Bởi vì, có một số điểm không phù hợp với những hiểu biết trước đây là: tác nhân Adenovirus type 41 không gây bệnh cảnh lâm sàng ở mức độ nghiêm trọng như đã báo cáo.
Trong khi đó, Adenovirus là tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng nhẹ và tự khỏi. Adenovirus lây lan từ người sang người và phổ biến nhất là gây bệnh đường hô hấp, nhưng tùy thuộc vào type, cũng có thể gây ra các bệnh cảnh khác như viêm dạ dày ruột, viêm kết mạc và viêm bàng quang.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có hơn 50 loại Adenovirus có thể gây nhiễm trùng ở người, trong đó Adenovirus type 41 thường biểu hiện lâm sàng như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Mặc dù đã có báo cáo trường hợp viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch do nhiễm adenovirus, nhưng đặc biệt adenovirus type 41 chưa từng được biết là nguyên nhân gây viêm gan ở những trẻ khỏe mạnh.
3. Viêm gan cấp không liên quan đến vaccine phòng COVID-19
Song hành với giả thuyết viêm gan cấp ở trẻ có thể do Adenovirus thì có một số giả thuyết cho rằng căn bệnh này có thể liên quan đến tác dụng phụ của vaccine COVID-19. Tuy vậy giả thuyết này đã được loại trừ, bởi vì phần lớn trẻ em bị viêm gan cấp tính trong các báo cáo này không được tiêm vaccine COVID-19.
4. Nên làm gì để phát hiện sớm trẻ bị viêm gan cấp?
- Dù là nguyên nhân gì, khi trẻ có dấu bị vàng da, tiểu sẫm màu hoặc có thêm sốt và một số dấu hiệu khác như mệt mỏi, quấy khóc nhiều… cần đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và kiểm tra các chỉ số có liên quan đến bệnh của trẻ.
- Người nhà tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc bởi vì, khi gan đã bị tổn thương nếu dùng thuốc có ảnh hưởng xấu đến gan thì vô cùng nguy hiểm cho gan (ví dụ dùng thuốc Paracetamol rất có hại cho gan).
- Viêm gan dù do bất kỳ nguyên nhân gì cũng cần được điều trị đúng phác đồ vì vậy phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Lời khuyên của thầy thuốc
Hiện nay Việt Nam chưa xuất hiện ca viêm gan cấp ở trẻ nào, tuy nhiên khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó các bác sĩ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, tiêu chảy và nôn…
Để phòng bệnh các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay sạch sẽ và vệ sinh đường hô hấp kỹ lưỡng cho trẻ có thể giúp giảm sự lây lan của nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường, bao gồm cả adenovirus.
Cơ quan y tế cũng nhắc nhở mọi người nên tiêm phòng đầy đủ cho trẻ; tránh chạm tay vào mặt, miệng và giữ khoảng cách khi có thể do adenovirus thường được truyền từ người này sang người khác và khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm, cũng như qua đường hô hấp.
Trẻ em có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiêu hóa bao gồm nôn mửa và tiêu chảy nên ở nhà và không trở lại trường học hoặc nhà trẻ cho đến 48 giờ sau khi các triệu chứng chấm dứt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.