Hà Nội

Làm gì để nghề công tác xã hội trong y tế phát triển?

01-12-2011 10:07 | Tin nóng y tế
google news

Nghề công tác xã hội (CTXH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân,

Nghề công tác xã hội (CTXH) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế… Để làm được điều này, người làm CTXH phải tìm hiểu đặc điểm tâm lý, xã hội của bệnh nhân, hoàn cảnh thực tế mà họ đang phải đối mặt cùng những mong muốn của họ.

Bạn đồng hành của người bệnh

Trước hết, tại các bệnh viện ở tất cả các tuyến của khu vực công lập cũng như ngoài công lập, hoạt động khám chữa bệnh mới chỉ được thực hiện bởi các nhân viên có trình độ chuyên môn về y. Các biện pháp trị liệu về xã hội chưa được quan tâm. Do vậy, chưa có chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự cũng như chưa có phòng CTXH trong tổ chức bộ máy của bệnh viện.

Trong khi đó, tại hầu hết các bệnh viện của cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như: cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ, tư vấn về phác đồ điều trị, tư vấn cách phòng ngừa, trấn an tinh thần cho người bệnh… Do vậy, hiện đang có nhiều vấn nạn nảy sinh ở các bệnh viện như sự không bằng lòng của người bệnh đối với các cơ sở y tế, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc…

Hoạt động CTXH ở bệnh viện không chỉ có vai trò trong hỗ trợ bệnh nhân mà còn có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ thầy thuốc giảm bớt áp lực công việc cũng như nâng cao hiệu quả điều trị. Tại cộng đồng, hiện nay, nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia đang triển khai và rất cần có sự tham gia của nhân viên CTXH, đặc biệt là các chương trình liên quan đến những nhóm xã hội đặc thù như: quản lý, chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm HIV tại cộng đồng, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, phòng chống lao, phòng chống bệnh tâm thần, quản lý sức khoẻ hộ gia đình, sức khoẻ sinh sản, phòng chống tai nạn thương tích…

Nếu hình thành mạng lưới CTXH trong CSSK tại cộng đồng thì cũng có nghĩa là cần phải có đến hàng nghìn nhân viên được đào tạo qua trường lớp về lĩnh vực này.

 Thầy thuốc cần sự giúp sức của nhân viên công tác xã hội.

Tạo điểm để nhân rộng

Có thể thấy nhu cầu sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH của ngành y tế hiện nay là rất lớn và rất cần thiết ở mọi cấp độ, song cần phải căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng đáp ứng để xác định lĩnh vực ưu tiên, lộ trình phát triển sao cho phù hợp. Trước mắt, cần ưu tiên hình thành mạng lưới hoạt động CTXH tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tại mỗi bệnh viện nên thành lập một đơn vị chuyên đảm nhận hoạt động này. Về cơ cấu tổ chức có thể là một bộ phận trực thuộc bệnh viện do ngành y tế quản lý, cũng có thể là một bộ phận độc lập hoạt động tại bệnh viện nhưng do ngành chủ quản (như ngành LĐ-TB&XH) quản lý. Kinh phí để duy trì hoạt động có thể từ kinh phí Nhà nước, song cũng có thể huy động từ quỹ của bệnh nhân hoặc quỹ khám chữa bệnh tại bệnh viện do cộng đồng quyên góp theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như: Singapore, Philippines… Về lâu dài, cần thiết phải mở rộng mạng lưới CTXH trong CSSK đến tận cộng đồng để có thể hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của CSSKBĐ, đem dịch vụ CSSK đến gần với người dân hơn. Để làm được việc này, ngay từ bây giờ, có thể lồng ghép nội dung giảng dạy về CTXH trong CSSK vào chương trình đào tạo của một số trường đại học và cao đẳng.

Vậy CTXH trong lĩnh vực y tế sẽ đi theo hướng nào? Nếu muốn phát triển mạng lưới CTXH trong ngành y tế, điều bắt buộc là phải đảm bảo rằng những kiến thức về CTXH chuyên nghiệp sẽ được truyền đạt cho các thành phần liên quan, bao gồm các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và cả xã hội cũng như những ngành khác trong lĩnh vực y tế. Sẽ phụ thuộc nhiều vào vấn đề nhân lực và đào tạo mà ngành y tế đang tập trung sự quan tâm trong quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH. Cho đến khi ngành CTXH ở Việt Nam trưởng thành, phát triển hơn thì tác động của nó đối với y tế sẽ ở một mức đáng kể. Trong khi đó, sự hạn chế về nguồn lực cũng có nghĩa là lựa chọn thúc đẩy thí điểm dự án ở một số địa bàn chính sẽ là một hướng đi phù hợp trong vào 5 năm tới. Hướng đi này sẽ cho phép gìn giữ, phát triển bền vững nguồn lực cần có và đồng thời cũng tạo được cho ngành y tế một phương pháp tiếp cận của riêng mình và cũng nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng. Đối với việc xây dựng hệ thống CTXH rộng khắp tại bệnh viện thì đây được coi là mục tiêu 10 năm cho công tác này.

Chắc chắn rằng CTXH trong ngành y tế sẽ là một phần trong quá trình chuyên nghiệp hóa nghề CTXH trong tương lai và trong giai đoạn hiện tại, nó đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tận tình và lập kế hoạch cẩn thận từ những người có hiểu biết, kiến thức sâu sắc về lĩnh vực CTXH này.

Ngọc Lương


Ý kiến của bạn