Tiếp tục loạt bài Làm gì để ngăn chặn hành hung nhân viên y tế?, Báo Sức khỏe & Đời sống phỏng vấn TS. Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp Chế (Bộ Y tế) về vấn đề được quan tâm nhiều hiện nay - hành hung nhân viên y tế.
- Thưa ông, là luật sư và cũng là người công tác trong ngành y lâu năm, quan điểm của ông về vấn đề hành hung nhân viên y tế như thế nào?
TS. Nguyễn Huy Quang: Những ngày qua liên tiếp có các vụ hành hung nhân viên y tế, các vụ hành hung này lặp đi, lặp lại khiến nhiều người e ngại, nếu không có biện pháp kịp thời ngăn chặn sẽ trở thành nghiêm trọng.
Thực tế, hành hung thầy thuốc đã xảy ra từ rất lâu, không chỉ là thời gian gần đây, chẳng qua bây giờ có các thiết bị thông minh, truyền tải lên internet nên nhiều người biết đến hơn. Điều đáng buồn là mỗi lần có sự việc xảy ra chúng ta đều ngồi lại để tìm ra các giải pháp ứng phó nhưng rồi nó vẫn tiếp diễn, điều này khiến tôi thực sự thấy đau xót.
Hành vi hành hung nhân viên y tế ngày càng manh động, táo tợn hơn, coi cơ sở khám chữa bệnh như chỗ không người, điều này cho thấy đây là hành vi đáng báo động về mặt pháp luật và đạo đức.
Hành vi này cần được dư luận xã hội lên án quyết liệt và các cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
- Nhân viên y tế hiện nay có rất nhiều áp lực: công việc nhiều, thu nhập thấp, trong khi đó môi trường làm việc chưa an toàn, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các bác sĩ như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Huy Quang: Mỗi một sự việc xảy ra đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân viên y tế, đây không chỉ là sự xúc phạm về thể xác, tinh thần mà nó còn ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của thầy thuốc, những người đang nỗ lực ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.
Đúng như bạn nói, nhân viên y tế đang có rất áp lực, công việc nhiều, thu nhập lại thấp, nếu môi trường làm việc không an toàn… sẽ khiến họ lo lắng, chán nản, tâm lý bị ảnh hưởng. Điều này, trước nhất là ảnh hưởng đến chính người bệnh, nếu nhân viên y tế có không gian để làm việc, có thể người bệnh sẽ được cứu sống trong những trường hợp nhất định.
Người nhà có thái độ hung hăng, mất kiểm soát sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý thầy thuốc, người bệnh mất cơ hội được cứu chữa, trong những trường hợp cấp bách, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của thân nhân họ.
Thứ hai, là ảnh hưởng đến thầy thuốc, bởi họ đã rất tận tụy, nỗ lực với công việc, rồi người nhà ngang nhiên có thái độ hăm dọa, hành hung. Điều này sẽ là yếu tố cộng dồn khiến nhân viên y tế chán nản và có thể bỏ việc.
Lao động ngành y rất mệt mỏi, đầu óc luôn trong tình trạng căng thẳng bởi ngày đêm phải đối mặt với tính mạng người bệnh, chẳng may có bệnh nhân tử vong phải kiểm điểm xem nguyên nhân tử vong do đâu, cách khắc phục ra sao, rồi lương thấp cộng thêm những hành vi thiếu tôn trọng từ bệnh nhân và người đi cùng làm cho người thầy thuốc không còn động lực, cảm giác an tâm với nghề.
Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao trong thời gian qua gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển công việc khác. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của ngành y không còn như trước nữa, trong đó an toàn của nhân viên y tế cũng là một nguyên nhân.
- Hành vi chống đối, quấy phá hay hành hung nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh có được xem là chống người thi hành công vụ không, thưa ông?
TS. Nguyễn Huy Quang: Là tổ trưởng tổ biên tập về Luật khám bệnh, chữa bệnh trước khi nghỉ hưu tôi cũng đã đưa quy định này và điều liên quan đến an ninh bệnh viện, đến bảo vệ nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, dịch vụ khám chữa bệnh không chỉ có trong các cơ sở y tế nhà nước, mà tư nhân cũng cung cấp dịch vụ này, cho nên không có lý do gì để đưa hành vi này vào chống người thi hành công vụ.
Nhưng theo tôi, chúng ta không nói đến chủ thể của người đó là gì, chúng ta đang nói đến việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh chữa bệnh để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, cho nên những hành vi đó dù thầy thuốc thuộc cơ sở y tế của nhà nước hay tư nhân khi bị xâm hại ta hãy mạnh dạn quy định.
Khi được đưa vào luật, sẽ có cơ sở để xử lý những trường hợp vi phạm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Cần xem những vụ hành hung nhân viên y tế chính là chống người thi hành công vụ.
- Thưa ông, với ngành hàng không, nếu hành khách có hành vi quấy rối tiếp viên hàng không, ảnh hưởng đến an toàn bay, người đó sẽ bị cấm bay. Còn với ngành y tế, đã có chế tài xử phạt cụ thể nào cho những người tấn công nhân viên y tế trong lúc họ làm việc chưa?
TS. Nguyễn Huy Quang: Các vụ hành hung nhân viên y tế liên tiếp xảy ra, điều đó cho thấy rằng chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh. Theo quy định của pháp luật, chỉ khi xảy ra tai nạn thương tích mới xử lý hình sự, dưới 11% mới xử lý hành chính. Các hành vi như chửi bới, thóa mạ, tát, hay bóp cổ chưa đủ để cấu thành tội phạm cho nên cũng bị ảnh hưởng.
Và khi xử lý các trường hợp này ít được thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời, cũng chưa có tổ chức nào xét xử những hành vi này đưa về các địa bàn nơi người đó cư trú. Nếu làm được điều này mức độ răn đe, giáo dục sẽ lớn hơn rất nhiều.
- Trong khi chờ đợi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội sửa đổi và thông qua, cần có biện pháp gì để nhân viên y tế có môi trường làm việc an toàn?
TS. Nguyễn Huy Quang: Sau mỗi sự việc xảy ra, dư luận đều lên tiếng, rồi chúng ta đưa ra các giải pháp, tuy nhiên các giải pháp này đã được các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện hay chưa?
Chúng ta chưa có đủ cơ sở vật chất, chưa có biện pháp đủ mạnh cho nên tình trạng này vẫn xảy ra. Nếu như khi vào khoa cấp cứu có sự ngăn cách giữa người bệnh và thân nhân người bệnh sự việc sẽ khác đi rất nhiều, hay là có sự can thiệp kịp thời của lực lượng bảo vệ, an ninh.
Có nhiều sự vụ nhân viên y tế bị đánh nhưng đồng nghiệp xung quanh vẫn đứng yên, không vào can ngay, hay có những nơi khi sự việc đã xảy ra xong rồi còn chưa thấy mặt lực lượng bảo vệ. Do vậy, để ngăn chặn hành vi xấu này trước hết cần sự chủ động của các cơ sở khám chữa bệnh, chủ động của những người hành nghề trong bệnh viện.
Thứ 2, các cơ sở khám chữa bệnh bên cạnh việc lắp đặt camera, cần có nút báo động, có cơ chế tự bảo vệ, khi phát hiện nguy cơ có hành vi vi phạm và khi xảy ra phải được bảo vệ can thiệp kịp thời.
Bệnh viện cũng cần phối hợp với công an địa phương để có cơ chế phối hợp bảo vệ an ninh bệnh viện.
Trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi hiện nay có nhiều biện pháp để chúng ta thực hiện, trong đó có biện pháp trang bị công cụ hỗ trợ xử phạt, nếu được trang bị công cụ này, bảo vệ bệnh viện được tập huấn các kỹ năng ngăn cản hành vi vi phạm, tôi nghĩ là chúng ta sẽ hạn chế được rất nhiều các vụ việc tương tự xảy ra.
Và hơn nữa hành vi hành hung thầy thuốc cần phải được cụ thể hóa đưa vào Luật khám, chữa bệnh coi là chống người thi hành công vụ, phải được truy tố trước pháp luật.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Còn nữa...)
Bài 5: Bệnh nhân tử tế dạy cho thầy thuốc bài học về tình yêu thương con người