ThS.BSCKII Phạm Xuân Hiếu - Trưởng Khoa Cấp cứu (BV E): Nhân viên y tế có rất nhiều áp lực
Có gần 20 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu, chứng kiến các vụ hành hung nhân viên y tế thời gian vừa qua khiến chúng tôi rất đau lòng.
Công việc ở Khoa Cấp cứu, là vất vả nhất, phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhất trong hệ thống các khoa, phòng của bệnh viện.
Tại Khoa Cấp cứu bệnh nhân luôn đông, vào bất kể giờ giấc, tính chất bệnh nhân cấp bách, do vậy tinh thần người nhà thường lo lắng, nhiều khi mất kiểm soát, có những lời lẽ, hành động không có văn hóa với nhân viên y tế, điều này gây căng thẳng cho nhân viên y tế rất lớn.
Khi đó nhân viên y tế không chỉ áp lực về vấn đề chuyên môn để cứu chữa bệnh nhân mà áp lực cả khi tiếp xúc với người nhà bệnh nhân cũng rất lớn. Nhân viên y tế phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn, lại phải làm sao ứng xử hài hòa, nhã nhặn với người nhà người bệnh để tránh tối đa những thái độ tiêu cực của họ với nhân viên y tế.
Tuy nhiên người nhà bệnh nhân không hiểu được điều đó, đôi khi các bác sĩ phải ưu tiên giải quyết cho bệnh nhân nặng hơn và sẽ lần lượt thăm khám cho các bệnh nhân khác có chỉ định cấp cứu trì hoãn nên nhiều người không giữ được bình tĩnh, mất kiểm soát đã có nhưng lời nói thóa mạ, chửi bới, thậm chí có những hành động tấn công nhân viên y tế.
Rồi người nhà bệnh nhân quay video, "cắt đầu, cắt đuôi" chỉ để lại những nội dung họ muốn rồi tung lên mạng xã hội. Cư dân mạng không hiểu hết vấn đề, "như lên đồng" lên án nhân viên y tế.
Rất ít sự đồng cảm, chính điều này gây áp lực rất lớn cho chúng tôi. Đây chính là sự bạo hành về tinh thần mà chúng tôi đang phải đối mặt, là những áp lực mà nhân viên y tế phải đối diện hàng ngày.
Những năm vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã thay đổi rất nhiều, quy trình cứu chữa bệnh nhân rõ ràng, minh bạch đã đảm bảo về chất lượng chuyên môn cứu chữa người bệnh.
Mong rằng cách ứng xử xã hội sẽ khác đi, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện cần bình tĩnh, phối hợp với nhân viên y tế để chúng tôi hoàn thành tốt công việc, bệnh nhân được cứu chữa kịp thời.
Truyền thông cần lan tỏa đạo đức, quy tắc ứng xử giữa người với người, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan chức năng phải vào cuộc để có thể ngăn chặn thực trạng đáng buồn này trong xã hội.
Sau các vụ hành hung, những lời bao biện như do lo lắng cho người nhà nên bị kích động, có hành động thiếu kiềm chế. Thế rồi vụ việc lại trôi đi, rồi sau đó lặp lại 1 vụ hành hung khiến nhân viên y tế cảm giác như bị bỏ rơi, thiệt thòi và rất tủi thân.
Chúng tôi không dám so sánh ngành y với các ngành khác, nhưng chúng tôi cần có một quy chế rõ ràng để bảo vệ nhân viên y tế trước vấn đề nhức nhối như vậy.
Để bảo vệ nhân viên y tế trước nạn bạo hành cần sự chung tay vào cuộc từ các cơ quan chức năng, các cơ quan thực thi pháp luật, trách nhiệm của các bệnh viện và quan trọng đó cơ quan truyền thông lan tỏa thông điệp về văn hóa ứng xử nơi công cộng, pháp luật… nếu không vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn!!!
Điều dưỡng Đinh Thị Thanh Huệ - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội: Chúng tôi tiếp tục làm việc chuyên nghiệp, tận tâm
7 năm làm việc tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, cả 7 năm tôi chưa được đón Tết cổ truyền trọn vẹn ở nhà.
Có những năm vừa thắp hương giao thừa xong, đã phải chuẩn bị hành lý để sáng sớm ngày mùng 1 Tết vào ca trực.
Khi mọi người đang vui Tết cùng gia đình, ở nơi "mặt trời không bao giờ lặn, ánh đèn không bao giờ được tắt", người bệnh đang phải thở máy, lọc máu,… Chúng tôi không bao giờ được phép lơ là một giây và tiếp tục chăm sóc người bệnh bất kể ngày hay đêm.
Mọi sơ xuất nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng của cả 1 con người. Chúng tôi chỉ biết làm những điều tốt nhất cho người bệnh, cho họ những điều họ cần và có thể đó không phải là những điều họ muốn.
Quá tải người bệnh là điều thường xuyên xảy ra, việc ăn trưa lúc 14h và tối lúc 21h là điều quá quen thuộc đối với chúng tôi. Nhất ở trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đến. Mỗi nhân viên y tế luôn phải căng sức làm việc đến 200-300% sức lực của mình.
Với sự quá tải y tế như hiện nay, yêu cầu nhân viên y tế luôn phải có nụ cười trong cả ca trực, cần đòi hỏi người đó có một tinh thần thép và phải rèn luyện nhiều năm.
Các vụ hành hung được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, theo tôi đó chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm và bản thân tôi đã là 1 nạn nhân của bạo hành y tế.
Người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế, người bệnh "mạt sát" nhân viên y tế, ít được đưa ra công luận. Tại sao?
Tại các anh chị cấp cứu "chậm"? Tại các anh chị không biết sắp xếp công việc? Chúng tôi bị đánh giá về đạo đức và chuyên môn bởi những người không hề có chuyên môn.
Hành hung bằng lời nói là điều hàng ngày, xảy ra ở rất nhiều các cơ sở y tế. Theo tôi, nó chính là là hành hung nhân viên y tế về tinh thần. Những tổn thất về mặt tinh thần, áp lực từ công việc, ám ảnh theo chúng tôi một thời gian rất dài. Thậm chí cả đời.
Tôi luôn nghĩ, không có công việc nào cao quý hơn công việc nào. Công việc mà chúng ta bỏ sức lao động ra để làm, đều cao quý. Hãy đừng tung hô chúng tôi là những người "anh hùng", chúng tôi tiếp tục làm việc chuyên nghiệp, tận tâm như tất cả mọi ngành nghề khác, đang cống hiến cho xã hội.
Vì hiện chúng tôi không có quyền từ chối người bệnh, cho dù bị kề dao trên cổ, bị đe dọa chúng tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Việc phân xử đúng - sai đành gác sau, dù đúng hay sai, những tổn thất và ám ảnh tinh thần kéo dài mãi, ai đứng bên chúng tôi lúc đó.
BS. Bùi Thị Hằng Thu - Khoa thường trực cấp cứu, BVĐK TP Vinh (Nghệ An): Cần có cách nhìn khách quan đúng đắn và sẻ chia đối với những người làm trong ngành y
Làm việc ở Khoa thường trực cấp cứu, tôi đã phải chứng kiến nhiều đồng nghiệp phải chịu đựng những lời lẽ thiếu tôn trọng, chửi bới, thóa mạ, tát, ném ví vào mặt từ người nhà bệnh nhân, cũng như bệnh nhân khi vào khoa. Ngay cả bản thân tôi cũng từng là nạn nhân bị người nhà bệnh nhân chửi bới, xúc phạm.
Một tối trong ca trực, chúng tôi tiếp nhận 1 bệnh nhân bị tai nạn giao thông được người nhà đưa vào viện cấp cứu. Trong khi đang thăm khám tổng thể và ra chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, người nhà đứng gần đó quay video và có những lời lẽ dung tục, thóa mạ, "câm mồm mày đi, nghỉ việc đi…"
Bản thân tôi nghĩ, mặc dù đã nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân nhưng lại nhận được những cư xử như vậy, tôi và các đồng nghiệp rất buồn và nỗi buồn cứ dai dẳng theo suốt cuộc đời của mình.
Để hạn chế người nhà bệnh nhân, người đi khám hành hung nhân viên y tế, trong thời gian vừa qua, BVĐK TP Vinh đã hợp tác với Công an phường rồi phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An để đảm bảo an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện.
Bên cạnh đó bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin lắp đặt hệ thống báo động đỏ toàn viện phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân, trong đó có cả chức năng cảnh báo an ninh an toàn kết nối với đơn vị Công an trong tình huống khẩn cấp để được hỗ trợ và can thiệp kịp thời.
Chúng tôi rất mong muốn người dân, cần có cách nhìn khách quan đúng đắn và sẻ chia đối với những người làm trong ngành y. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, có những giải pháp, việc làm cụ thể đủ tính răn đe để bảo vệ nhân phẩm và tính mạng của người thầy thuốc, để họ yên tâm công tác.
(Còn nữa...)
Bài 4: Cần xem hành vi tấn công nhân viên y tế là chống người thi hành công vụ