Năm nào mùa hè đến, hiện tượng đuối nước cũng luôn rình rập lứa tuổi học trò. Vì vậy, các bậc cha mẹ, các đoàn thể, địa phương, nhà trường cần quan tâm và đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn đuối nước.
Mấy ngày gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói đến nhiều trường hợp đuối nước xảy ra rất thương tâm ở lứa tuổi học trò do rủ nhau tắm biển, tắm sông ngòi, ao hồ, trong khi các cháu không biết bơi và không có người lớn giám sát. Theo thống kê, vào mùa hè hàng năm tỉ lệ thương tích xảy ra cho trẻ rất cao, trong đó đuối nước chiếm chiếm gần một nửa và ở nước ta, tỉ lệ trẻ em chết do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ 2 trên thế giới.
Nguyên nhân dẫn đến đuối nước
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: sông, suối, ao, hồ, trong khi các cháu không biết bơi. Bởi vì, mùa hè nóng nực, các cháu học sinh đang dịp nghỉ hè thường tụ tập rủ nhau đi tắm ở biển, hồ, ao, sông, ngòi mà không có người lớn đi kèm. Những gia đình có điều kiện, các kỳ nghỉ nhất là nghỉ hè thường cho con em mình đi tắm biển nhưng thiếu sự kèm cặp, giám sát trẻ cũng để xảy ra tai nạn đuối nước. Mặt khác tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu bạn khi đuối nước.
Thêm vào đó là do thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em nhất là đối với trẻ ở vùng nông thôn buộc các em thường đi tìm đến các bãi biển, sông suối, ao hồ gần nhà để tắm giải trí mà không có sự quản lý, giám sát của người lớn. Vì vậy, khi gặp nạn lại không biết cách cứu nhau nên hậu quả nặng nề sẽ xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Khi thấy đuối nước nên làm gì?
Bất kỳ ai nếu thấy có trẻ bị đuối nước cần kêu gọi mọi người cùng giúp sức để nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ. Nếu người không biết bơi mà nước sâu cần hết sức cẩn thận, nếu vội vàng nhảy xuống để cứu người bị đuối nước, đôi khi ngay cả bản thân mình cũng không thoát ra được. Trong trường hợp này nếu có một chiếc sào, gậy hoặc sợi dây dài quẳng ra vị trí người đuối nước đang chơi vơi để họ bám vào rồi mình kéo thật nhanh đưa lên bờ. Nếu người biết bơi cần nhanh chóng xuống nước để kéo người bị hại lên bờ (nắm tóc, áo, quần, tay, chân và mình ở phía sau lưng nạn nhân).
Nếu chỉ có một người làm cấp cứu thì cứ 2 - 3 lần hà hơi, ép lồng ngực 10 – 15 nhịp
Khi đã lên khỏi mặt nước cần tát vào má nạn nhân vài tát để gây phản xạ hồi tỉnh, sau đó cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ hay lên thuyền, đặt nạn nhân đầu nghiêng sang một bên cho nước trong miệng, họng, phổi chảy ra. Tại đây cần cởi quần, áo ướt của nạn nhân rồi hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt càng nhanh càng tốt (nếu có người khác hỗ trợ thì càng thuận lợi). Tiến hành bằng cách dùng hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) bịt mũi nạn nhân và hà hơi trực tiếp vào miệng, đồng thời khăn móc hết đờm, dãi trong mồm ra hết để khai thông đường thở. Nếu sờ tay vào động mạch cổ thấy không đập thì phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực bằng cách dùng hai tay chồng lên nhau rồi đặt lên lồng ngực ép lồng ngực. Nếu chỉ có một người làm cấp cứu thì cứ 2 - 3 lần hà hơi, ép lồng ngực 10 - 15 nhịp. Trong trường hợp có 2 người cùng cấp cứu, một người hà hơi, người kia xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được, mạch đập trở lại.
Khi thấy nạn nhân đã tỉnh, thở được, mạch đập trở lại cần kê cao vùng vai nạn nhân để đề phòng ngạt trở lại do đờm, giải, chất nôn. Chỉ được bỏ cuộc khi đã tiến hành hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực sau hai giờ mà không thấy hy vọng gì. Sau khi hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực có kết quả cần khẩn trương gọi xe cấp cứu hoặc nếu có người hỗ trợ khi đang cấp cứu cũng cần gọi xe cấp cứu ngay để cùng hỗ trợ và giải quyết kịp thời khi nạn nạn nhân tỉnh lại.
Một số biện pháp phòng đuối nước
Cần tuyên truyền rộng khắp cho toàn dân những vùng có nguy cơ cao đuối nước để tuân thủ các nguyên tắc phòng đuối nước như cấm trẻ chơi đùa, tắm ở vùng ao, hồ, sông suối, kênh, rạch mà không có người lớn giám sát, theo dõi, đặc biệt dịp nghỉ hè của học sinh đang diễn ra. Nếu cho trẻ tắm ở sông suối, ao, hồ, kênh, rạch hoặc đi tắm biển nhất thiết phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn (tốt nhất là người lớn phải biết bơi). Càng có nhiều trẻ tắm càng phải có nhiều người lớn kèm cặp để hỗ trợ nhau khi có tình huống xấu xảy ra. Thực tế cho thấy khi tắm biển, trẻ thuộc gia đình nào, gia đình đó phải tự quản mới có hiệu quả tốt, bởi vì, bãi tắm rất đông người tắm (cả người lớn cả trẻ em) không thể trông cậy hoàn toàn vào các thành viên giám sát bãi tắm.
Cấm trẻ chơi đùa, tắm ở vùng ao, hồ, sông suối, kênh, rạch mà không có người lớn giám sát
Khi di chuyển bằng ghe, thuyền qua sông, suối cần mặc áo phao cứu sinh (ngay cả đối với trẻ đi tắm biển, ao hồ, sống suối cũng rất cần khoác áo phao).
Các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ) nên tổ chức các lớp dạy bơi cho các cháu nhân dịp nghỉ hè. Trong các buổi sinh hoạt hè nên có chương trình giáo dục các cháu các biện pháp tránh đuối nước. Để làm tốt công tác này, các cấp chính quyền, đoàn thể cần có sự hỗ trợ kinh phí (nên vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm kinh phí) để mời các vận động viên có kỹ năng bơi lội đến hướng dẫn các cháu học sinh tập bơi trong dịp nghỉ hè. Trong chương trình của trường tiểu học, tốt nhất là nên có thêm chương trình dạy trẻ biết bơi và kỹ năng cứu bạn khi đuối nước. Tuy nhiên, bộ chủ quản cần xem xét, nếu được phải có chuẩn bị cơ sở vật chất (bể bơi), giáo viên dạy kỹ năng bơi và kỹ năng cứu người gặp nạn đuối nước.