Đình làng có ý nghĩa quan trọng bởi đình làng được xem là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, là nơi quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa không ngừng, các giá trị văn hóa đình làng đang có dấu hiệu mai một...
Dù đến nay chưa xác định được chính xác thời điểm đình làng Việt ra đời, tuy nhiên qua các cứ liệu lịch sử, thì từ thế kỷ XV đình làng đã xuất hiện với đình Thanh Hà (Hà Nội) nay thuộc phố ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó, những ngôi đình xưa nhất còn bảo tồn đến ngày nay đều có niên đại vào thế kỷ XVI như đình Thụy Phiêu, đình Là, đình Tây Đằng (Hà Nội); đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), đình Phù Lưu (Bắc Ninh)...Bên cạnh đó, nhiều đình làng được xây dựng và hình thành vào thế kỷ XX có giá trị đặc biệt. Hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang có đình Tân Trào và đình Hồng Thái xây dựng vào thế kỉ XX gợi cho chúng ta về ngôi đình sơ khai đầu tiên của người Việt, kiến trúc khung gỗ, lợp lá cọ, bộ mái lớn, xà thấp, kết cấu nhà sàn và thông thoáng tứ bề.
Đình làng Việt ra đời sớm và vì thế cũng mang nhiều giá trị, ý nghĩa văn hóa. Theo ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt mà còn là kho tàng về di sản văn hóa Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề. Bên cạnh đó, đình làng ở nước ta cũng là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ do cộng đồng làng xã tạo dựng nên, xuất phát từ nhu cầu, niềm tin và ước vọng của người Việt. Thời gian qua, ở tỉnh, thành còn bảo tồn và lưu giữ được đình làng, thì đình làng chính là không gian văn hóa, địa điểm để tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời đình làng cũng là không gian tổ chức các trò chơi có ý nghĩa tâm linh, gắn với mục đích cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư...
Đình Tân Trào (Tuyên Quang) nhiều năm qua là không gian tổ chức lễ hội cầu mùa của nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi đời sống xã hội, quá trình đô thị hóa phát triển không ngừng đã làm cho giá trị của đình làng ở nhiều địa phương bị giảm sút, các giá trị văn hóa của đình làng dần mai một. Hiện nay, các hoạt động cộng đồng như lễ hội dân gian, trò chơi truyền thống...gần như không còn được tổ chức ở đình làng như trước kia mà chuyển về nhà văn hóa thôn, xóm hoặc xã, phường... có không gian lớn hơn và hiện đại hơn. Điều này khiến cho đình làng chỉ còn là cái bóng của thời gian, giá trị vốn có chỉ còn trong trang sách hay những hình ảnh được lưu giữ trước đó. Ngoài ra, tình trạng đáng báo động khi 10 năm trở lại đây, một số đình làng được trùng tu sai nguyên tắc đã ít nhiều phá hỏng diện mạo, kết cấu của những ngôi đình cổ có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, kiến trúc - mỹ thuật. Chính vì điều này, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đình làng trong thời đại mới được nhiều người quan tâm. Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, không gian văn hóa đình làng được cha ông ta luôn chú trọng gìn giữ, vì vậy các thế hệ cần quan tâm đến việc gìn giữ được giá trị văn hóa đình làng, lưu giữ được giá trị để lan tỏa và phát huy được giá trị di sản trong cuộc sống hiện đại.
Điều đáng mừng, thời gian qua, nhiều việc làm thiết thực nhằm truyền tải ý nghĩa, vai trò và bảo tồn các giá trị đình làng đã được triển khai. Vài năm trở lại đây, nhiều cuộc triển lãm ảnh với chủ đề Đình làng Việt, những điều còn - mất của nhóm Đình làng Việt (gồm các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, di sản; phóng viên theo dõi di sản và những người yêu di sản) đã được tổ chức để truyền tải ý nghĩa, giá trị và mong muốn cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, lưu giữ đình làng Việt. Triển lãm về đình làng của nhóm này đã được mở ra ở cả các trường học, qua đó kêu gọi giới trẻ nâng cao ý thức, góp sức để gìn giữ di sản đình làng. Hiện nay, triển lãm ảnh đình làng của nhóm Đình làng Việt đang diễn ra tại nhà trưng bày Heritage Space (28 Trần Bình, Hà Nội), giới thiệu 100 bức ảnh đình làng tại các địa phương. Nội dung triển lãm cho thấy tinh hoa đình làng Việt với việc lễ hội, các phong tục, tập quán của làng xã diễn ra xung quanh đình làng và những biến đổi của đình làng Việt trong thời gian qua như tình trạng đình làng đang xuống cấp nghiêm trọng, trùng tu sai...
Gần đây nhất, Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VH-TT&DL) cũng đã ra mắt cuốn sách ảnh Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (tập 1). Đây không chỉ là một cuốn sách ảnh, mà còn có cả bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền Bắc nước ta. Những tư liệu khảo cứu về lịch sử, kiến trúc, điêu khắc trang trí của các di tích cũng được giới thiệu tổng thuật khá đầy đủ và đưa ra nhiều kiến giải, cách nhìn mới. Đặc biệt, những tư liệu lần đầu tiên được công bố càng trở nên có giá trị khi không ít bộ phận kiến trúc và điêu khắc trang trí của các ngôi đình cổ hiện đã mất, chỉ còn trong cuốn sách này.