Một trong những biện pháp của Bộ Y tế nhằm hạn chế thuốc giả trên thị trường thuốc là thiết lập đường dây nóng tại Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các quận, huyện để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc thực hiện quy định về quản lý thuốc phòng chữa bệnh, phát hiện các hành vi kinh doanh thuốc không đúng quy định.
Trên hai số báo 75, 76 ra ngày 10 và 12/5/2011, báo Sức khỏe&Đời sống đã đăng thông tin phản ánh về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, đình chỉ lưu hành cũng như những hiểm họa của thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để tăng cường quản lý chất lượng thuốc, nhằm loại bỏ ra khỏi thị trường thuốc những sản phẩm thuốc giả, thuốc kém chất lượng? Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với cơ quan chức năng về vấn đề này…
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành
Về phía Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, để siết chặt quản lý về vấn đề thuốc giả, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trong công văn gửi Sở Y tế các địa phương và y tế các ngành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Văn Thanh đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc kịp thời phát hiện, truy tìm nguồn gốc của thuốc giả và xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm theo đúng quy định hiện hành về nhập khẩu, buôn bán và sử dụng thuốc. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã có các văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các quy chế chuyên môn trong sản xuất, lưu thông và phân phối thuốc để đảm bảo tất cả các mặt hàng thuốc đều phải được lưu hành hợp pháp. Sở Y tế cũng phải xây dựng và thực hiện hệ thống lưu trữ thích hợp để đảm bảo luôn truy tìm lại được nhà sản xuất gốc, nhà nhập khẩu thuốc và nhà phân phối trung gian...
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống sáng 16/5, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng quản lý thuốc hiệu quả, ngoài sự quyết liệt của ngành y tế cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, công an và quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện và loại ra khỏi thị trường những sản phẩm thuốc giả. Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng cùng với những hoạt động kiểm duyệt của cơ quan chức năng, các nhà sản xuất cũng phải tự đẩy mạnh công tác giám sát hậu mãi để tăng cường quản lý thuốc của đơn vị mình, tránh hiện tượng làm giả. Cục trưởng Cục Quản lý dược cũng cho biết thêm, để nâng cao chất lượng quản lý thuốc hiệu quả, Bộ Y tế thực hiện chủ trương quản lý toàn diện chất lượng thuốc thông qua việc triển khai áp dụng các nguyên tắc thực hành tốt trong toàn bộ hệ thống từ sản xuất đến bảo quản, tồn trữ, kiểm nghiệm, phân phối và cung cấp thuốc đến người sử dụng nhằm ngăn chặn thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...
Về phía Thanh tra Bộ Y tế, ông Trần Quang Trung - Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, để tăng cường quản lý chất lượng thuốc, Thanh tra Bộ cũng thường xuyên đôn đốc và yêu cầu Thanh tra Sở Y tế các địa phương, Phòng Quản lý dược phải luôn phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; tăng cường thanh kiểm tra lấy mẫu một số thuốc dễ bị làm giả, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc hết hạn sử dụng, đặc biệt siết chặt quản lý mặt hàng thuốc Đông dược… Thiết lập đường dây nóng tại Thanh tra Sở y tế, phòng y tế quậ n/huyệ n để tiế p nhậ n thông tin phả n ánh củ a công dân liên quan đến việc thực hiện quy định về quản lý thuốc phòng, chữa bệnh và các hành vi kinh doanh thuốc không đúng quy định.
Đổi mới phương pháp giám sát chất lượng thuốc
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 16/5, PGS. TS. Trịnh Văn Lẩu - Chủ tịch Hội đồng Dược điển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW cho rằng, để nâng cao chất lượng quản lý thuốc trên thị trường, hệ thống kiểm nghiệm cả nước cần đổi mới phương pháp mua mẫu theo chỉ tiêu số lượng bằng biện pháp mua mẫu sàng lọc có nghi ngờ về chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại tuyến cơ sở như trạm y tế xã, nơi xa trung tâm trong đó chú ý đến hạn dùng của thuốc. Chú trọng đến những trọng điểm có nguy cơ lưu hành thuốc giả, phân tích tìm thuốc tân dược trộn trong thuốc Đông dược. Ngoài ra, các cơ sở kiểm nghiệm thuốc trên toàn quốc cũng cần triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện theo hướng kiểm tra, giám sát tất cả các mẫu thuốc ngay tại đầu nguồn, nhất là các nguyên liệu ban đầu như dược liệu, thuốc Đông dược, dạng bào chế nhiều thành phần, các dược chất và dạng bào chế kém ổn định về chất lượng. Tiến hành kiểm nghiệm 100% lô nguyên liệu (kể cả tá dược và các bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc) trước khi đưa vào sản xuất, kiểm tra 100% lô sản phẩm trước khi xuất xưởng đối với tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc...
Với kinh nghiệm lâu năm trong công tác kiểm nghiệm, PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu đề xuất, các đơn vị kinh doanh khi thực hiện nhập khẩu thuốc cần thực hiện quy trình lựa chọn nhà cung cấp có uy tín và tiến hành xem xét chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu, đồng thời kiểm nghiệm lại những lô thuốc nhập khẩu có nghi ngờ về chất lượng.
THÁI BÌNH