Làm gì để “hút” người dân khám chữa bệnh tại y tế cơ sở?

09-07-2018 06:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là nội dung chính được đề cập tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

Nhấn mạnh tại hội nghị, cả lãnh đạo ngành y tế và BHXH Việt Nam đều thẳng thắn cho rằng y tế cơ sở (YTCS) dù được coi là người “gác cổng” trong hệ thống y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) ngay tại địa phương, giúp giảm chi cho người dân nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này...

Người dân chưa “mặn mà” KCB tại YTCS

Hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã, trong đó, tổng số trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT là 9.821 với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm với tỷ lệ gia tăng bình quân là 4%. Từ 130 triệu lượt năm 2015 đến 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi người dân đang chờ khám tại Trạm  Y tế xã Mai Đình - huyện Sóc  Sơn - Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm hỏi người dân đang chờ khám tại Trạm Y tế xã Mai Đình - huyện Sóc  Sơn - Hà Nội.

Nhấn mạnh đến vai trò của YTCS, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, YTCS là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong những năm qua, nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm thế giới cho thấy đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc đầu tư cho kỹ thuật cao ở tuyến trên. Với việc coi YTCS là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, các nước trên thế giới đã sử dụng các nguồn tài chính khác nhau, trong đó có nguồn tài chính từ BHYT cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTCS. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 20 xác định y tế cơ sở là nền tảng, phương châm của xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về YTCS mà chúng ta đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ hạn chế hiện nay của tuyến YTCS là người dân chưa tin tưởng vào YTCS vì chất lượng còn chưa cao, thiếu cán bộ y tế. Bên cạnh đó là tình trạng trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế, kể cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch; Chi trả BHYT cho người bệnh còn thấp, danh mục thuốc và kỹ thuật ít ỏi nên... người bệnh vượt lên tuyến trên.

Dẫn chứng thực tế số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT trong khi chi phí KCB BHYT chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản; gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được. Tuy nhiên, qua khảo sát các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này...

Cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí KCB cho y tế tuyến xã để tăng quyền lợi cho người dân

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cần chi nhiều hơn cho YTCS, phân công bác sĩ từ trạm y tế xã lên tuyến huyện học chuyên môn, cử bác sĩ từ tuyến trên xuống một thời gian khám để người dân tin tưởng vào chất lượng của y tế tuyến dưới, đầu tư cơ sở vật chất - trang thiết bị y tế. Mục đích “kéo” bệnh nhân về, tăng chi trả cho người bệnh, tăng chất lượng để giảm tải cho tuyến trên. “Cứ để bác sĩ ở trạm y tế xã mãi thì cả đời họ không phát triển được. Có trạm có đến 3 bác sĩ y học cổ truyền, 2 bác sĩ sản mà bác sĩ gia đình không có”, Bộ trưởng nói.

Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về tuyến xã điều trị. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở, lãnh đạo ngành y tế đề nghị cần bỏ quy định khống chế tỉ lệ chi 20% chi phí KCB cho y tế tuyến xã, thay vào đó cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới... kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV, lao..., bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán...

Chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là yếu tố quyết định. Đồng thời đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, quản lý cho tuyến xã. Việc đầu tư trang thiết bị phải phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, trước mắt cho các thiết bị khám chữa thông thường.

Đưa ra những cam kết từ phía BHXH Việt Nam trong công tác nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến YTCS, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết, BHXH Việt Nam đã tăng cường chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng KCB BHYT với các trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa, trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng KCB với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh; nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch; yêu cầu cơ sở KCB bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT...


Bài và ảnh: Thái Bình
Ý kiến của bạn