Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện kế hoạch 119 của UBND TP. Hà Nội về khắc phục hạn chế, yếu kém, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn, đồng thời triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018 - 2020.
Xử phạt hơn 14 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội, Phó Trưởng Ban chỉ đạo ATTP TP. Hà Nội, tại Kế hoạch 119 của TP đã chỉ ra 7 hạn chế, yếu kém trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Khắc phục những hạn chế này, Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT và UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc trong 1 năm qua với gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm, xử lý hành chính hơn 14 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Hà Nội kiểm tra tại siêu thị trên địa bàn.
Trong đó, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra được 961 lượt cơ sở, phát hiện 162 cơ sở vi phạm về ATTP và xử phạt hành chính số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Sở NN&PTNT đã thực hiện kiểm tra 414 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản, phát hiện 120 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra và xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính hơn 5,3 tỷ đồng, buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.
UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đội quản lý thị trường cũng thanh tra, kiểm tra hơn 152.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 26.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền hơn 3.200 cơ sở với số tiền phạt hơn 6,4 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, sau 1 năm triển khai nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả kế hoạch của UBND TP. Hà Nội đã góp phần nâng cao năng lực công tác quản lý của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tuyến xã đa số chưa đáp ứng được các tiêu chí ATTP. Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã và một số tuyến huyện đa số vẫn chỉ là nhắc nhở.
Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa có thói quen phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn…
Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác ATTP tại ngành nông nghiệp, công thương và các quận, huyện, xã, phường còn thiếu và trình độ quản lý ATTP hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, trong khi một bộ phận chủ cơ sở thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt thì không ít người tiêu dùng lại dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm.
Người dân chưa có thói quen tẩy chay cơ sở vi phạm ATTP
Tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, quản lý ATTP cần xác định quan trọng nhất là thay đổi tư duy người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng bỏ thói quen “tiện đâu, mua đấy”, có ý thức mua thực phẩm ở những cửa hàng đã được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng thì thực phẩm bẩn sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, theo ông Hiền, phía các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt ngay từ nơi sản xuất, chăn nuôi. Với các chợ đầu mối, phải giám sát được nguồn thực phẩm đầu vào.
“Tại các quán ăn, đâu đâu cũng quảng cáo thịt bò Úc, thịt bò Mỹ. Các khu đô thị, các nhà cao tầng mọc đến đâu thì các cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thức ăn nhanh mọc đến đó. Vậy trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã trong những vấn đề này đã thực hiện tốt chưa?”, ông Hiền đặt câu hỏi.
Đặc biệt, ông Hiền lưu ý, về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP năm 2018 - 2020, hệ thống đã phân ra 3 cấp, nhưng cần có một quy trình từ tiếp nhận, xử lý thông tin và đưa ra cảnh báo. Theo đó, phải phân công cụ thể ai là người chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ở mỗi cấp. Cơ quan Nhà nước giám sát, hậu kiểm như thế nào để kiểm tra lại thông tin đã tiếp nhận có đúng hay không, xác nhận mức độ tin cậy của thông tin để từ đó đưa ra cảnh báo đến người dân. Đồng thời, cũng cần có quy định về cảnh báo, tránh trường hợp cảnh báo sai.
Theo kế hoạch, hệ thống cảnh báo nhanh được xây dựng ở 3 cấp TP; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn TP, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo nhanh cho cộng đồng.